Đến giờ phút này, rất nhiều nhà hoạch định chính sách cũng cho rằng hệ thống luật xin tị nạn của châu Âu không phù hợp và Thỏa thuận Dublin cần được xem lại. Phía ủng hộ cải cách bao gồm Ủy ban châu Âu (EC), Chính phủ Hy Lạp và Italia. Dưới Thỏa thuận Dublin, hai nước này đã phải gánh gần như toàn bộ người tị nạn tràn vào châu Âu từ Trung Đông và châu Phi, lên tới hơn 1,5 triệu người từ 2015.
Hình ảnh người nhập cư chờ đợi đến lượt nộp hồ sơ trong những khu ở tạm không còn là cảnh tượng hiếm gặp tại châu Âu. (Nguồn: Getty) |
Thật vậy, nhiều người cho rằng các nước Bắc Âu giàu có cần phải chia sẻ gánh nặng nhập cư cho các nước ven Địa Trung Hải. May mắn thay, Đức, Thụy Điển và một số quốc gia khác đã tiếp nhận người tị nạn, bất chấp Thỏa thuận Dublin. Tuy nhiên, 160,000 người tị nạn được EU phân bổ theo cơ chế đặc biệt năm 2015 cho các nước thành viên vẫn chỉ là số lẻ so với những gì Italy và Hy Lạp phải đón nhận. Do đó, không khó hiểu khi hai quốc gia này mong muốn xây dựng một thỏa thuận bền vững hơn.
Năm 2016, EC đã đề xuất thay đổi Thỏa thuận Dublin và đưa nó vào một phần của hệ thống luật nhập cư của EU và nhận được sự phê chuẩn của Hội đồng Nghị viện châu Âu (EP) hồi tháng 10 vừa qua. Theo đó, EU sẽ thiết lập thỏa thuận với các nước Trung Đông và châu Phi để nhanh chóng đưa người tị nạn hồi hương, nếu hồ sơ của họ không được tiếp nhận. Những người còn lại sẽ được phân bổ cho các quốc gia thành viên EU, nhằm giảm gánh nặng cho các quốc gia ven Địa Trung Hải. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ thúc đẩy chủ trương này.
Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối kịch liệt của Hội đồng Bộ trưởng EU, đặc biệt là từ các quốc gia như Hungary và Ba Lan, nơi làn sóng dân túy và phản đối người nhập cư Hồi giáo đang dâng cao. Hồi năm 2015, Hungary và Slovakia, với sự ủng hộ của Ba Lan, đã đệ đơn lên Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) nhằm phản đối cơ chế phân bổ người tị nạn. Tuy hồ sơ của họ đã bị phủ quyết, song Hungary và Ba Lan cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực của mình. Người Phát ngôn Chính phủ Hungary Zoltan Kovacs thì tuyên bố cơ chế này “xâm phạm đến một số yếu tố về chủ quyền quốc gia”.
Ngay cả khi được triển khai, kế hoạch phân bổ người tị nạn cũng không đạt nhiều thành quả. Tính đến ngày 3/11, mới có 31.472/160.000 người tị nạn được sắp xếp, trong khi vẫn còn 10.000 người tị nạn tiếp theo vẫn đang chen chúc trên những hòn đảo của Hy Lạp. Tình hình hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có thể chia sẻ người tị nạn, nhưng hiện đang ở thế căng thẳng với EU.
Về phần mình, Hy Lạp vẫn chưa cải thiện được hệ thống quản lý nhập cư và số lượng người tị nạn bị từ chối vẫn đang mắc kẹt trên các hòn đảo của quốc gia này. Tại Đức, Đảng Xanh đang từ chối đàm phán thành lập chính phủ liên minh, nhằm phản đối quyết sách của Thủ tướng Merkel về đưa người tị nạn hồi hương. Có thể nói, vấn đề tị nạn vẫn đang là một vấn đề chính trị khó xử lý và gây chia rẽ trong từng quốc gia nói riêng và EU nói chung.