Ba Lan tiếp tục ở thế đối đầu với EU vì vấn đề tư pháp. |
Ngày 15/2, phát biểu họp báo tại Warsaw, Bộ trưởng Ziobro tuyên bố, quyết định của EC là một "cuộc tấn công có kế hoạch nhằm vào nhà nước Ba Lan" và là một phần trong chính sách của EU nhằm "tuân theo kế hoạch của Đức về việc bãi bỏ các quốc gia thành viên”.
Theo quan chức Ba Lan, những gì đang xảy ra là điều mà đảng Đoàn kết và Bộ Tư pháp đã liên tục cảnh báo chống lại: "Không thể có thỏa thuận nào về việc bán đứng chủ quyền của Ba Lan chỉ vì một vài đồng bạc và dưới sự đe dọa và tống tiền”.
Trước đó cùng ngày, EC thông báo sẽ đưa Ba Lan ra CJEU liên quan việc các phán quyết của Tòa án Hiến pháp Ba Lan ưu tiên luật Ba Lan so với luật của EU. EC đã khởi động thủ tục tố tụng sơ bộ chống lại Ba Lan vào ngày 22/12/2022.
Cơ quan điều hành EU cho hay, các phán quyết được đề cập là từ ngày 14/7 và 7/10/2021, trong đó nêu rõ việc không tuân thủ các Hiệp ước của EU với hiến pháp Ba Lan và đặt câu hỏi về tính ưu tiên của luật EU đối với luật pháp quốc gia.
Theo EU, các phán quyết của Toà án Hiến pháp Ba Lan vi phạm "các nguyên tắc chung về quyền tự chủ, tính ưu tiên, hiệu quả và áp dụng bình đẳng luật pháp EU cũng như nguyên tắc về tính chất ràng buộc của các phán quyết do Tòa án Công lý EU thông qua”.
EC cũng cho biết, không coi Tòa án Hiến pháp Ba Lan là một cơ quan độc lập và trung lập, do có những bất thường trong việc bổ nhiệm 3 thẩm phán năm 2015 và việc bổ nhiệm Chủ tịch năm 2016.