EU mạnh tay ‘ra đòn’ với Nga - nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bỗng dưng ‘trọng thương’? (Nguồn: Shutterstock) |
Ngày 6/10, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga, mở rộng các lệnh cấm đối với thương mại và cá nhân liên quan đến việc Moscow sáp nhập 4 khu vực của Ukraine.
Các biện pháp này, có hiệu lực khi được công bố trên công báo chính thức của khối, cũng chỉ ra phương thức áp giá trần đối với dầu thô của Nga được vận chuyển trên khắp thế giới, nhưng chỉ sau khi các chi tiết được thảo luận trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Người ta cho rằng, gói trừng phạt mới nhất này, bao gồm một số điều khoản, sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Các biện pháp trừng phạt quy định danh sách cá nhân, doanh nghiệp và hạn chế thương mại như cấm nhập khẩu đối với “các sản phẩm thép, bột gỗ, giấy, máy móc và thiết bị, hóa chất, nhựa, thuốc lá của Nga”. Điều này dự kiến sẽ khiến Nga giảm 7 tỷ Euro doanh thu mỗi năm.
Bên cạnh đó, EU hạn chế hơn nữa việc xuất khẩu các dịch vụ công nghệ thông tin, kỹ thuật và pháp lý sang Nga, cũng như mở rộng danh sách hàng hóa công nghệ cao không được bán cho nước này.
Trước đó, ngày 5/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, đại diện các nước EU đã đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 8 đối với Moscow, trong đó có việc áp giá trần dầu Nga, cấm vận chuyển dầu của nước này đến các nước không thuộc EU nếu vượt một mức giá nhất định.
EU công bố các biện pháp trừng phạt trên tại cuộc họp ở Prague, Czech, nơi họ mời thêm 17 quốc gia không phải là thành viên, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, với tên gọi Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất Cộng đồng chính trị châu Âu (EPC).
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ ‘gặp hạn’
Quyết định trừng phạt không nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nó có thể ảnh hưởng sâu sắc đến nước này do quan hệ kinh tế và thương mại của Ankara với cả EU và Nga. Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại thứ sáu của EU và EU là đối tác thương mại lớn nhất của Ankara.
Năm 2021, 41% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ là sang các nước EU. Thêm vào đó, nếu Anh và các nước không thuộc EU tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên minh, tỷ lệ này sẽ đạt tới 50%.
Hiện nay, máy móc và phương tiện vận tải là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này lại phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga để phục vụ ngành công nghiệp sản xuất.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật (30/9-6/10): Nga 'gợi ý’ bơm khí đốt tới châu Âu qua Nord Stream 2, đòi ‘có chân’ điều tra sự cố, Mỹ suy giảm ‘nhẹ nhàng’ |
Ngoài ra, Ankara cũng là khách hàng mua dầu của Moscow. Thời gian sẽ cho biết nhà máy điện hạt nhân Akkuyu do công ty Rosatom của Nga xây dựng ở tỉnh miền Nam Mersin của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi các lệnh trừng phạt mới của EU.
Du khách Nga (cùng với Ai Cập) không thể đến Mỹ và châu Âu do các lệnh trừng phạt của phương Tây đã chọn Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến thay thế. Điều đó mang lại tin tốt lành cho ngành du lịch nước này trong năm nay.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho hay, ngay cả việc cung cấp dịch vụ mặt đất cho các máy bay Nga cũng có thể là đối tượng của lệnh trừng phạt từ EU. Chính sách này có thể khiến ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ phải thực hiện các biện pháp mới.
Buộc phải lựa chọn
Các tổ chức và công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn trở thành cửa ngõ phía Tây của Moscow sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, đã bắt đầu thực hiện các biện pháp để tránh bị đưa vào danh sách trừng phạt của EU.
Theo các nguồn tin, hãng hàng không Turkish Airlines (THY) từ chối yêu cầu của Moscow về đào tạo mô phỏng bay cho 150 phi công. THY là thành viên của Cơ quan an toàn hàng không EU (EASA).
Bộ trưởng Tài chính Nureddin Nebati phàn nàn rằng, Mỹ đang đặt thương mại Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng "trừng phạt căng thẳng". Nguyên do là trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã viết thư cho các tổ chức kinh doanh lớn để cảnh báo rằng, các tổ chức và ngân hàng làm ăn với các tổ chức và cá nhân Nga có thể bị đưa vào danh sách trừng phạt của Washington.
Ông Nabati khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia vào các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU, nhưng nước này cũng sẽ không cho phép các lệnh trừng phạt bị bỏ qua hoặc bị “lách”.
Sau cảnh báo trên từ Mỹ, các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ ngừng hợp tác với hệ thống thẻ tín dụng Mir của Nga, vốn đã được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đề cao sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Sochi vào ngày 5/8.
Bị giám sát chặt chẽ hơn
Các biện pháp trừng phạt của EU không nhắm mục tiêu cụ thể đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, người ta cho rằng, mối quan hệ chặt chẽ của Ankara với Moscow, đặc biệt là vai trò chủ chốt của nước này trong thỏa thuận ngũ cốc, trao đổi tù binh, và việc chuyển tiền được thực hiện thông qua nhà máy điện hạt nhân Akkuyu, đã khiến Mỹ và EU phải giám sát Thổ Nhĩ Kỳ chặt chẽ hơn.
Bước ngoặt ở đây là cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ tại Sochi.
Các biện pháp trừng phạt của EU không nhắm mục tiêu cụ thể đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng mối quan hệ chặt chẽ của Ankara với Moscow đã khiến Mỹ và EU phải giám sát Thổ Nhĩ Kỳ chặt chẽ hơn. (Nguồn: Getty) |
Mặc dù đã được thông báo rằng, các vấn đề tài chính, bao gồm thương mại năng lượng và đồng Ruble, hoãn nợ khí đốt tự nhiên và thẻ Mir, đã được thảo luận trong cuộc họp. Tuy nhiên, việc thiếu một biên bản ghi nhớ hoặc một tuyên bố chung giữa hai bên đã thu hút sự chú ý của các nước phương Tây.
Cả Mỹ và EU đều tỏ ra nghi ngờ về một "thỏa thuận đặc biệt" giữa Moscow và Ankara có thể được ký kết nhằm vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng không có cơ sở cho một thỏa thuận như vậy, các đồng minh phương Tây của nước này có thể không tin, bằng chứng là họ bắt đầu xem xét kỹ lưỡng tất cả các giao dịch.
Các nguồn tin cho rằng, việc tạm dừng thỏa thuận hợp tác thẻ Mir là do bị tác động bởi sự giám sát này.
Bằng cách áp dụng gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga, EU cũng nhằm đảm bảo các công ty của các nước thành viên tuân thủ lệnh trừng phạt chống lại doanh nghiệp của nước thứ ba không thực hiện chúng.
Theo nhận định, việc đưa vận tải biển vào gói trừng phạt mới nhất là kết quả của sức ép lên EU bởi các chính quyền Hy Lạp và Malta.
Có thể tất cả những điều trên không được đưa vào gói trừng phạt mới một cách rõ ràng, và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không được đề cập cụ thể. Giống như phần nổi của tảng băng chìm, trong các câu hoặc đoạn văn bản về việc gia hạn các lệnh trừng phạt liên quan đến kinh tế và thương mại đối với các tổ chức và cá nhân Nga, cũng có thể có những vấn đề liên quan mật thiết đến Ankara.
Không chỉ giới kinh doanh và tài chính Thổ Nhĩ Kỳ mà cả Tổng thống Erdoğan cũng có thể sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn vì các lệnh trừng phạt mới đối với Moscow.
Vai trò của Ankara trong xung đột Nga-Ukraine cho đến nay vẫn được cho là cân bằng và thành công. Việc duy trì sự cân bằng này thậm chí còn trở nên quan trọng hơn khi, các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU hiện đang bao vây các lĩnh vực kinh tế chính của Nga.
Như Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell giải thích, các lệnh trừng phạt cũng có khía cạnh quân sự.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang hợp tác quân sự chặt chẽ với Ukraine. Mặt khác, việc hiện đại hóa máy bay F-16 của Mỹ đang bị ngăn cản và Ankara không đóng cửa với các đề xuất của Moscow nhằm lấp đầy khoảng trống kho vũ khí cho đến khi nước này chế tạo được máy bay của riêng mình.
| Kinh tế thế giới nổi bật (30/9-6/10): Nga 'gợi ý’ bơm khí đốt tới châu Âu qua Nord Stream 2, đòi ‘có chân’ điều tra sự cố, Mỹ suy giảm ‘nhẹ nhàng’ Nga-EU tiếp tục căng thẳng liên quan gói trừng phạt mới nhất, Moscow yêu cầu được tham gia điều tra sự cố rò rỉ khí ... |
| Bất động sản mới nhất: FDI vẫn ‘chảy’ mạnh vào địa ốc, thu hồi dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, 3 bước giao dịch mua bán nhà đất qua ngân hàng Vốn FDI vào địa ốc tăng mạnh, phân khúc công nghiệp hút khách, mức độ quan tâm giảm, Phú Thọ thu hồi thỏa thuận đầu ... |
| Xung đột Nga-Ukraine ‘đổ thêm dầu’ vào ‘lửa lạm phát’, mọi ngóc ngách ở châu Âu đứng ngồi không yên Xung đột Nga-Ukraine, giá năng lượng, lương thực tăng chóng mặt, đứt gãy chuỗi cung ứng khiến các nước châu Âu đối mặt với lạm ... |
| Ảnh ấn tượng tuần (26/9-2/10): Xung đột Nga-Ukraine, ‘sôi sục’ việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ và lệnh tổng động viên quân đội; Nord Stream bị phá hoại? Xung đột Nga-Ukraine, Lễ quốc tang cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, đường ống Nord Stream dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu ... |
| Nga đáp trả gay gắt quyết định của Romania, cho rằng 'đổ thêm dầu vào lửa' Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 20/8 khẳng định Moscow sẽ đáp trả 'thích đáng' tuyên bố của Romania về việc ... |