Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại Lễ tổng kết Dự án EU - MUTRAP diễn ra chiều 12/12 tại Hà Nội.
Báo cáo tại Lễ tổng kết, ông Bùi Huy Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Dự án EU - MUTRAP cho biết, Dự án EU - MUTRAP được kế thừa và phát huy những thành quả của Dự án hỗ trợ chính sách thương mại đa iên trước đó trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến thương mại lớn nhất và dài nhất mà phía EU dành cho Việt Nam (2001 – 2012).
Bắt đầu khởi động từ cuối năm 2012 do EU tài trợ và Bộ Công Thương chủ trì thực hiện, sau 5 năm hoạt động, Dự án EU - MUTRAP đã hoàn thành các kế hoạch công tác đề ra, triển khai gần 130 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, xuất bản 74 báo cáo, tài liệu nghiên cứu, tổ chức gần 300 hội thảo/tọa đàm và khóa đào tạo tại 31 tỉnh/thành phố với hơn 23.000 người tham dự; hỗ trợ nhiều Bộ, Ban, ngành, Hiệp hội… ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Dự án đã tài trợ trang thiết bị tin học và xây dựng phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu cho 20 đơn vị thuộc các Bộ/ngành, trường đại học.
Ông Bùi Huy Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Dự án EU - MUTRAP báo cáo tổng kết Dự án. |
Thông qua 6 tiểu dự án trong khuôn khổ EU - MUTRAP, những hỗ trợ của EU đã vươn tới hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và thiết kế bền vững; nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp với mô hình nhóm hạt nhân thương mại và tổ tư vấn; phổ biến nhận thức và cấp chứng nhậ về thương mại công bằng, đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật đối với nhập khẩu da – giày vào châu Âu; phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng chuỗi giá trị cho quả thanh long ở Long An và Bình Thuận để tăng cường xuất khẩu vào thị trường EU.
Khác với các Dự án MUTRAP trước đây, Dự án EU - MUTRAP đã bổ sung nhiều nội dung hỗ trợ công tác cải thiện chính sách đầu tư, môi trường và lao động xã hội. Đồng thời, Dự án đã chuyển dần từ hỗ trợ đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế sang hỗ trợ thực thi các cam kết thương mại quốc tế, chú trọng những hoạt động hỗ trợ cụ thể, sát với nhu cầu của doanh nghiệp trong một số ngành hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang EU như thủy sản, dệt may, da giày, cà phê…
“Dự án EU - MUTRAP đã hỗ trợ xây dựng nhiều văn bản pháp luật, chương trình chính sách thương mại, góp phần nâng cao năng lực thể chế của Việt Nam trong tiến trình hội nhập”, ông Bùi Huy Sơn khẳng định.
Về phía EU, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet nhấn mạnh, Dự án EU - MUTRAP đã khẳng định là dự án lớn nhất và quan trọng nhất của EU với Việt Nam. Dự án đã dự báo tình hình chuẩn xác và tổ chức các khóa đào tạo cho những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có cơ hội được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA.
Nhờ sự hỗ trợ của EU - MUTRAP, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã tiếp cận những thông tin thị trường cập nhật, những kiến thức về an toàn thực phẩm đối với trái câu, rau quả, hải sản và mật ong. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU sẽ tăng đáng kể sau khi EVFTA được thực hiện.