Tuần vừa qua, các lãnh đạo EU đã đồng ý về bốn lĩnh vực mà khối sẵn sàng đàm phán để được hưởng quyền miễn trừ thuế, đó là về quyền tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm công nghiệp như ô tô hay các gói thầu của chính phủ; năng lượng, đặc biệt là khí tự nhiên hoá lỏng; hợp tác giữa các nhà quản lý và cải tổ Tổ chức thương mại thế giới.
Bà Cecilia Malmstrom đã hội đàm với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross sau khi các đề xuất trên được công bố rộng rãi, tuy nhiên bà cho biết Washington có vẻ không thỏa mãn.
Uỷ viên phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom. (Nguồn: AFP) |
Trong cuộc họp báo nhân dịp họp các Bộ trưởng thương mại của EU, bà Malmstrom cho rằng người Mỹ cho là chưa đủ và bà không chắc chắn về quyền tiếp cận không giới hạn vào thị trường Mỹ. Phía Mỹ cho rằng việc miễn thuế sẽ không kéo dài, hoặc nó sẽ được áp dụng từ 1/6 hoặc sẽ có biện pháp hạn chế khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao cho các nhà sản xuất châu Âu quyền được miễn trừ thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm trong khi đợi kết quả đàm phán. Quyền miễn trừ sẽ hết hạn vào ngày 1/6 tới.
Đến nay, Mỹ đã trao quyền miễn trừ vĩnh viễn thuế kim loại cho các nước Australia, Argentina, Brazil và Hàn Quốc, nhưng trong mỗi trường hợp đều kèm theo hạn ngạch nhập khẩu.
Bà Malmstrom tuyên bố không thể tưởng tượng được là EU chấp nhận hạn ngạch trừ khi chúng phải được ở mức tương đương khối lượng xuất khẩu của khối trong những năm gần đây.
Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn cũng hạ thấp cơ hội cho bước đột phá. Ông dự đoán sẽ có bế tắc khác nảy sinh vào ngày 1/6. Nhiều khả năng EU sẽ có thêm sự nhượng bộ với người Mỹ, trong đó rất có thể là châu Âu sẽ phải chấp nhận một hạn ngạch. Ông cho rằng mọi khả năng đều đang mở ra nhưng tương lai sẽ rất khó khăn.