EU áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ 8 đối với Nga.(Nguồn: Export.org.uk) |
Đây là gói biện pháp trừng phạt thứ 8 mà EU áp đặt đối với Nga, sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 năm nay.
Trước đó một ngày, Ủy ban đại diện thường trực EU (COREPER II) đã đạt thỏa thuận chính trị về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
CH Czech, nước chủ tịch luân phiên Hội đồng EU cho biết: ''Đại sứ các nước đã nhất trí về các biện pháp trừng phạt mới".
Các biện pháp trừng phạt này gồm cấm nhập khẩu sản phẩm thép, gỗ, giấy và các hàng hóa khác từ Nga, cấm cung cấp một loạt dịch vụ như công nghệ thông tin, kỹ thuật và pháp lý cho các công ty Nga. EU cũng cấm nhập khẩu sản phẩm chế tạo máy, kỹ thuật gia dụng, sản phẩm hóa học, nhựa và thuốc lá từ Nga.
Ngoài ra, EU cũng sẽ áp đặt giá trần với dầu mỏ của Nga và đưa hàng chục cá nhân của Nga vào danh sách trừng phạt.
Tuy nhiên, giới chức EU cho biết, cần thảo luận nhiều chi tiết trong khuôn khổ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trước khi việc áp giá trần đối với việc vận chuyển bằng đường biển dầu mỏ của Nga đến các nước thứ 3 có hiệu lực.
Hiện nhiều chi tiết vẫn chưa được thống nhất, trong đó có cơ chế định giá thực tế. Điều này có nghĩa quyết định của EU mới chỉ là bước đi đầu tiên hướng đến áp giá trần, chứ không phải đã áp đặt trên thực tế.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hồi đầu tháng 9 cảnh báo, Moscow sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu cho các nước quyết định hạn chế giá dầu của Nga. Ông Novak gọi các đề xuất áp đặt hạn chế đối với giá dầu mỏ của Nga là "hoàn toàn vô lý".
Cũng về vấn đề áp trần giá dầu Nga, Phó Chủ tịch Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất cầm quyền của Venezuela (PSUV) Jesús Faría nhận định, nỗ lực thiết lập giới hạn giá dầu là minh chứng cho thấy, Mỹ và đồng minh đang tuyệt vọng khi đối mặt với sự thất bại của các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow.
Theo ông Faría, các phương thức mà Washington và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang áp dụng nhằm tấn công nền kinh tế Nga trên thực tế không gây khó khăn nghiêm trọng cho Moskva.
Ở chiều ngược lại, các biện pháp trừng phạt này đang trở lại như một chiếc boomerang khiến chính các quốc gia thúc đẩy phải hứng chịu hậu quả lớn.
Ông Faria khẳng định: "Những nỗ lực nhằm giới hạn giá dầu và khí đốt mà Nga bán cho thế giới bên ngoài là biểu hiện của sự bất lực của các quốc gia này trong việc ngăn chặn đà phát triển của nền kinh tế Nga".