Trong một tuyên bố, EU nêu rõ, Hội đồng châu Âu đã quyết định kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào những lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế Nga cho đến ngày 31/1/2017, sau khi các biện pháp hiện hành hết hiệu lực vào cuối tháng 7/2016.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Sputnik) |
Các biện pháp trừng phạt này chủ yếu nhằm vào các ngành năng lượng, tài chính và quốc phòng của Nga. Theo đó, hạn chế tiếp cận các thị trường tài chính sơ cấp và thứ cấp của EU đối với 5 thực thể tài chính nhà nước lớn của Nga và các công ty chi nhánh được thành lập bên ngoài EU, cũng như 3 tập đoàn năng lượng và 3 tập đoàn quốc phòng lớn của Nga. Quyết định này đã được các đại sứ của EU nhất trí thông qua từ hôm 21/6.
Trung tuần tháng 6 vừa qua, EU cũng gia hạn thêm một năm những biện pháp trừng phạt khác, vốn được áp đặt sau khi Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014. Ngoài các biện pháp cấm vận kinh tế, đầu năm 2014, EU cũng áp đặt lệnh cấm thị thực và đóng băng tài sản đối với một số cá nhân người Nga và Ukraine liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.
Trong khi đó, đáp lại quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt của EU, ngày 29/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh gia hạn cấm nhập khẩu các loại lương thực - thực phẩm từ các nước phương Tây tới cuối năm 2017.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Scoopnet) |
Phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt Nga kể từ tháng 7/2014 với các cáo buộc Nga đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Chính quyền của Tổng thống Putin luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan, đồng thời tuyên bố sẽ có những biện pháp đáp trả tương xứng.
Hiện EU cũng đang đối mặt với những tranh luận khó khăn về việc gia hạn trừng phạt Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, do vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên. Hồi đầu tháng 6, Thượng viện Pháp đã thông qua nghị quyết kêu gọi chính phủ nước này bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp trừng phạt Nga.
Hiện có những ý kiến trái chiều giữa các nước thành viên EU về việc làm thế nào chấm dứt lệnh trừng phạt đối với Nga, với một số nước như Slovakia cho rằng chính sách cấm vận này hiện không thể tiếp tục duy trì.
Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2014, Nga là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU và khối này là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Năm 2014, kim ngạch thương mại Nga - EU đạt 285 tỷ USD. Hồi tháng 7/2014, EU và Mỹ đã áp dụng các lệnh trừng phạt đối với các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính của Nga do liên quan tới tình hình ở Ukraine . Về phần mình, Nga đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu nông sản và thực phẩm của EU. |
Cùng ngày, Nga chỉ trích mạnh mẽ động thái gia hạn trừng phạt đối với Nga của EU.
Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Nga đã coi việc gia hạn trừng phạt của EU là “sự tiếp nối chính sách thiển cận của Brussels” và là “vô lý” khi liên hệ việc gia hạn này với sự thất bại thực hiện tiến triển thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine.
Thông báo có đoạn: “Thực chất, chính EU đã khiến sự căng thẳng trong mối quan hệ EU-Nga trở thành các trò chơi vô trách nhiệm của giới chức cầm quyền Ukraine”.