Lực lượng bảo vệ bờ biển quốc gia Tunisia giúp một người di cư xuống thuyền cứu hộ ở Jebeniana, Sfax, Tunisia. (Nguồn: Reuters) |
Tại cuộc họp Ngoại trưởng các nước EU ở Luxembourg, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết, EU sẽ ký một thỏa thuận viện trợ quan trọng cho Tunisia vào ngày 27/6.
Gói viện trợ được ký kết trong bối cảnh còn nhiều lo ngại rằng quốc gia châu Phi này từ chối chấp nhận các điều khoản về gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có thể thúc đẩy dòng người di cư khổng lồ đến Italy.
Ông Tajani nói: “Tin tốt là ngày 27/6, Ủy viên EU (về vấn đề láng giềng và mở rộng) Olivér Várhelyi sẽ ký thỏa thuận về gói viện trợ cho Tunisia chống nạn buôn người", đồng thời bày tỏ hy vọng gói viện trợ sẽ trị giá hơn 105 triệu Euro.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết, liên minh sẽ gửi viện trợ kinh tế cho Tunisia với điều kiện nước này đối xử với người di cư một cách tôn trọng.
Ông Borrell nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ viện trợ cho Tunisia nhưng họ sẽ phải tôn trọng các yêu cầu đối xử tử tế với người di cư và tôn trọng nhân quyền".
Trước đó, Tunisia bị chỉ trích vì ngược đãi người di cư trong bối cảnh bất ổn chính trị và kinh tế ở nước này gia tăng dẫn đến yêu cầu IMF cứu trợ. Tuy nhiên, Tổng thống Tunisia Kais Saied đã gây tranh cãi khi từ chối thực hiện các cải cách cần thiết để nhận được gói cứu trợ này.
Cùng ngày, phát biểu sau chuyến công tác tới Italy, Ủy viên phụ trách nhân quyền của Hội đồng châu Âu (EC), bà Dunja Mijatovic, kêu gọi Rome "thay đổi triệt để chính sách đối với người di cư", đặc biệt liên quan đến việc cứu hộ trên biển và các thỏa thuận với các quốc gia người di cư xuất phát như Tunisia và Libya để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp.
Bà Mijatovic dẫn chứng các quy tắc mới do chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni đưa ra vào đầu năm nay đối với các tàu tư nhân tiến hành các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn ở trung tâm Địa Trung Hải, hạn chế hiệu quả khả năng cứu người của các NGO trên biển.
Mặt khác, đại diện EC cũng ca ngợi lòng nhân đạo mà người dân và Thị trưởng đảo của Italy Lampedusa dành cho người di cư là tấm gương cho tất cả mọi người. Ủy viên phụ trách nhân quyền của EC nhấn mạnh, cách người dân của hòn đảo nhỏ bé nằm giữa Bắc Phi và châu Âu này tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho người tị nạn và người di cư là tấm gương cần nhân rộng.