📞

EU tiết lộ chiến lược chống khủng bố mới cho 5 năm tới

17:05 | 06/05/2015
Theo Irish Times, trong một nỗ lực chống lại chủ nghĩa khủng bố, Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ đẩy mạnh hợp tác giữa các nước thành viên và các cơ quan trong Liên minh châu Âu (EU) với việc công bố Chiến lược an ninh 5 năm mới của EU. Trong số các biện pháp được đề xuất có việc thành lập một trung tâm chống khủng bố của châu Âu, ra mắt một diễn đàn EU về công nghệ thông tin để khuyến khích sự hợp tác hơn nữa giữa các quốc gia thành viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin và tăng ngân sách cho các cơ quan như Hệ thống thông tin hồ sơ hình sự châu Âu.
Lãnh đạo các nước EU tuần hành phản đối vụ khủng bố tại Paris (Ảnh: AP).

Khi thông báo chính sách đã được Ủy ban châu Âu thông qua này, Ủy viên EU về di dân, nội vụ và quyền công dân Dimitris Avramopoulos nói với Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp) rằng các mối đe dọa đối với các công dân châu Âu, về bản chất, đang ngày càng mang tính chất xuyên biên giới.

Ông nói "vì các mối đe dọa an ninh mới và phức tạp đã xuất hiện, ngày càng có tính xuyên biên giới và liên ngành, nên chúng ta không thể không cùng nhau đối phó với chúng. Để giải quyết một cách đúng đắn các mối đe dọa này, chúng ta cần phải làm việc với nhau để đảm bảo sự an toàn của các công dân châu Âu và bảo vệ các quyền và sự tự do của họ. Họ mong đợi chúng ta tin tưởng lẫn nhau, chia sẻ thông tin và hợp tác hiệu quả trong việc phối hợp các hành động cụ thể".

Tăng cường quyền hạn cho Europol, cơ quan thi hành luật pháp của EU, cũng là một yếu tố quan trọng của đề xuất này do Ủy ban đã cho thấy sự hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức đã mang lại kết quả. Tài liệu này trích dẫn việc bắt giữ 77 cá nhân vào tháng trước, bị nghi là buôn lậu nhập cư có quy mô lớn, với các vụ bắt giữ được thực hiện trong bảy quốc gia.

Các cuộc tấn công khủng bố tại Paris và Copenhagen vừa qua đã thu hút sự chú ý đối với chính sách chống khủng bố của EU, khi châu Âu đang đối mặt với vấn đề công dân của họ trở về sau khi đã chiến đấu cho phong trào Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông.

Tuy nhiên, mặc dù xu hướng chung là tăng cường hơn sự hợp tác giữa các quốc gia, nhưng lo ngại về việc bảo vệ dữ liệu và sự riêng tư đã được các nhà vận động cho tự do dân sự và các nghị sĩ trung tả trong Nghị viện châu Âu nêu ra.

Các thành viên cao cấp của nhóm đảng Xã hội và đảng Dân chủ (S & D) trung tả trong Nghị viện châu Âu đã chỉ trích đề nghị của Ủy Ban. Phó chủ tịch S & D, bà Tanja Fajon, một nghị sĩ Slovenian cho biết bà sợ rằng các biện pháp an ninh "cuối cùng sẽ bao trùm lên các quyền cơ bản".

P.V