📞

EU - Trung Quốc: Cuộc chiến thương mại leo thang?

14:57 | 14/06/2012
Cuộc “khẩu chiến" giữa các bộ trưởng thương mại Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc xung quanh việc trợ cấp cho sản phẩm công nghệ cao ngày càng thêm căng thẳng trong bối cảnh tranh cãi giữa hai bên có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến thương mại.
Trung Quốc bị cáo buộc là đã trợ cấp cho tập đoàn viễn thông Huawei của nước này để có thể bán phá giá trước các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu.

Bé... xé ra to

Tranh cãi giữa hai bên bắt nguồn từ những cáo buộc rằng Trung Quốc trợ cấp cho các tập đoàn viễn thông Huawei và ZTE để có thể bán phá giá trước các đối thủ cạnh tranh châu Âu. Theo một nhà ngoại giao của EU, vấn đề này có thể nhạy cảm đối với Đức vì liên quan tới tập đoàn Siemens.

Phát biểu bên lề cuộc họp với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh ở Brussels (Bỉ) hôm 31/5, Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht cho biết cả hai bên đang nỗ lực cùng giải quyết vấn đề, nếu không, sẽ phải đưa ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, sau đó ông De Gucht nói rằng ông không có ý định đề cập tới vai trò trọng tài của WTO, mà trong phạm vi quyền hạn của mình, EU có thể áp dụng các công cụ bảo hộ mậu dịch (TDIs) để ngăn chặn những gì mà họ cho là có trợ cấp không công bằng. Theo ông Caren, nếu áp dụng TDIs, EU sẽ hành động trên cơ sở luật pháp và những chứng cứ rõ ràng.

Phản ứng lại tuyên bố của ông De Gucht, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh cảnh báo rằng trong thời kỳ khủng hoảng, các bên cần tránh lạm dụng những công cụ bảo hộ mậu dịch. Ông nhấn mạnh các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã nhất trí sẽ không đưa ra bất cứ biện pháp hạn chế mậu dịch mới nào, và cách thức giải quyết những khác biệt là thảo luận một cách hòa bình trước khi "tiểu sự biến thành đại sự".

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của EU, nhưng lại là đối tác xuất khẩu lớn nhất vào thị trường châu Âu. Ông Trần Đức Minh cam kết Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu từ châu Âu để cân đối mậu dịch song phương trong bối cảnh Eurozone đang đối mặt với khủng hoảng nợ công. Ông cũng nhấn mạnh rằng liên doanh Nokia-Siemens hiện đang chiếm một thị phần rất lớn ở Trung Quốc.

Trung Quốc hết “đắt khách”

Theo AFP ngày 29/5, có tới 22% doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc muốn rút khỏi quốc gia này với lý do giá nhân công ngày càng tăng cao và hệ thống pháp luật bất ổn.

Điều tra của Phòng Thương mại châu Âu (EU Chamber of Commerce) ở Trung Quốc đối với 557 doanh nghiệp thành viên đưa ra nhận định: “Trung Quốc là một thị trường mang tính chiến lược, ngày càng trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp châu Âu, nhưng lại có một tỷ lệ lớn doanh nghiệp châu Âu muốn tái định hướng đầu tư và rời khỏi Trung Quốc, nơi giá cả ngày càng đắt đỏ, để chuyển sang các quốc gia đang trỗi dậy khác".

Ba lo ngại lớn nhất của các doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc là tốc độ phát triển chậm lại (nỗi lo của 65% doanh nghiệp), giá nhân công tăng (63%) và kinh tế thế giới suy giảm (62%).

Theo Blommberg, dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ là 8,2%, thấp nhất kể từ năm 1999. Chuyên gia kinh tế Lawrence Summer, cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 29/5 cũng cho biết ông không ngạc nhiên nếu tăng trưởng ở Trung Quốc tụt xuống dưới 7% trong thập kỷ tới.

Riêng về giá nhân công, 59% doanh nghiệp được hỏi tỏ ra bi quan về tương lai trước mắt, tỉ lệ này lên đến 75% đối với các doanh nghiệp tại vùng châu thổ sông Châu Giang (khu vực Quảng Đông - Hong Kong - Macau).

Để tiếp tục tồn tại ở Trung Quốc, 52% số các doanh nghiệp được điều tra dự kiến sẽ đầu tư vào các khu vực mới, đặc biệt là các vùng sâu trong nội địa, nơi mức lương trả cho nhân công thấp hơn và khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng trong số 78% doanh nghiệp có thái độ lạc quan về các hoạt động của công ty trong hai năm tới ở Trung Quốc thì chỉ có 36% tin tưởng là họ sẽ gặp được các điều kiện thuận lợi.

Hòa Bình