📞

EVFTA: Bước ngoặt trong quan hệ Việt Nam - EU

09:39 | 06/08/2015
Sau cuộc họp báo về việc kết thúc các nội dung cơ bản của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chiều ngày 5/8, ông Franz Jessen - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam (ảnh) cho rằng, Hiệp định không chỉ tạo bước ngoặt trong quan hệ song phương mà còn là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa EU và ASEAN.

Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực đi đến kết thúc đàm phán của hai bên, tiến tới hoàn tất Hiệp định vào cuối năm nay?

Tôi rất vui mừng với những kết quả đạt được. Tôi đã thấy tinh thần đàm phán cũng như sự hợp tác xây dựng để có kết quả ngày hôm nay từ cả hai phía.

Tôi đánh giá rất cao vai trò của lãnh đạo hai bên, đặc biệt là phía Việt Nam trong nỗ lực đàm phán Hiệp định. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy quá trình đàm phán, tiến tới những bước ký kết cuối cùng. Bộ Công Thương cũng tham gia chỉ đạo rất tích cực, sát sao trong quá trình đàm phán, góp phần tạo động lực chính trị quan trọng cho quá trình đàm phán tiếp tục tiến về phía trước.

Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế. Là một nhà đàm phán "lão luyện" ông cũng đóng vai trò chủ yếu trong quá trình đàm phán đi đến kết thúc Hiệp định.

Có thể nói, hai bên đã có lòng tin rất lớn về năng lực cũng như quyết tâm chính trị của nhau để có thể tiến tới kết quả đàm phán như mong muốn. Tôi hy vọng, tất cả những thủ tục kỹ thuật cuối cùng sẽ được thông qua một cách suôn sẻ để đi đến những bước ký kết và thực thi Hiệp định.

Hiệp định sẽ mang lại cơ hội gì cho Việt Nam và đâu là lợi ích lớn nhất mà Việt Nam có được khi Hiệp định đi vào thực thi?

EVFTA là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU. Ngay từ ngày đầu tiên khi Hiệp định được ký kết, một tỷ trọng lớn khoảng 65% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sẽ được miễn giảm thuế ngay lập tức. Tôi cho rằng, lợi ích lớn nhất mà Việt Nam thu được sẽ là lợi ích về kinh tế.

Về xuất nhập khẩu, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA sẽ là một cú hích quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh. Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần.

Trong lĩnh vực đầu tư, các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong Hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam. Đồng thời, các cam kết liên quan đến đầu tư, tự do hóa thương mại dịch vụ, mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ,... cũng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đảm bảo lợi ích tổng thể, cân bằng.

EU luôn được đánh giá là một thị trường khó tính với nhiều quy định chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Vậy phía EU có sự hỗ trợ nào dành cho Việt Nam hay không?

Một ví dụ tiêu biểu cho sự hỗ trợ của EU và Phái đoàn dành cho Việt Nam là Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP). Dự án có ngân sách 18 triệu USD được triển khai trong vòng năm năm với mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chung của EU và quốc tế như các yêu cầu tiếp cận thị trường (các quy định về vệ sinh dịch tễ (SPS), rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT)…để có thể đưa sản phẩm của mình vào thị trường EU được thuận lợi hơn.

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều chưa nắm rõ các thông tin chính thức về các nội dung của Hiệp định. Vậy làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin nhanh nhất, từ đó tận dụng được những cơ hội của Hiệp định?

Chỉ còn một số yếu tố kỹ thuật nhỏ còn tồn tại đang được trao đổi, giải quyết nhằm đi đến ký kết Hiệp định. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức thống nhất về nguyên tắc để thông tin có thể được phổ biến tới doanh nghiệp và các đơn vị liên quan, giúp cả hai phía doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam nắm bắt kịp thời những thông tin chi tiết về Hiệp định.

Xin ông cho biết những bước tiếp theo để hoàn tất ký kết Hiệp định vào cuối năm nay?

Chúng ta đã đạt được những dấu mốc quan trọng trong quá trình đàm phán và thống nhất về mặt nguyên tắc đàm phán Hiệp định EVFTA. Sắp tới, hai bên sẽ phải giải quyết nhiều yếu tố kỹ thuật còn tồn đọng, thông qua thương lượng và thỏa thuận, rà soát, hoàn thiện về mặt pháp lý để ra được một văn kiện hoàn chỉnh của Hiệp định.

Tôi hy vọng rằng quá trình hoàn thiện các thủ tục để đi đến ký kết Hiệp định sẽ được thực hiện nhanh và toàn diện. Dự kiến hai bên sẽ chính thức ký kết Hiệp định vào mùa Thu năm nay.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Hiệp định này không chỉ tạo bước ngoặt trong quan hệ song phương giữa Việt Nam - EU mà còn là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa EU và khu vực ASEAN.

Giang Ly (thực hiện)

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt gần 28 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỷ USD. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ và hải sản.

EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến hết năm 2014, đã có 23/28 nước thuộc EU đầu tư vào Việt Nam, với hơn 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 37 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.