📞

EVFTA: Hài hòa chiến lược, tận dụng tối đa

13:05 | 11/12/2014
Việt Nam - EU quyết tâm thúc đẩy giai đoạn đàm phán cuối cùng, tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vào đầu năm 2015. Tuy nhiên, những thách thức cuối cùng không hề dễ dàng.
Dệt may có khả năng được hưởng lợi nhiều từ EVFTA.

Tại Tọa đàm với chủ đề "Những thách thức và giải pháp trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu", do Ban Đối ngoại Trung ương Đảng phối hợp với Bộ Ngoại giao, Viện Konrad Adenauer (Đức) tổ chức ngày 5/12, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân nhấn mạnh, để tiếp tục nâng tầm quan hệ Việt Nam - EU, gần đây lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo cấp cao EU đã tăng cường tiếp xúc, nhấn mạnh ý chí chính trị định hướng kết thúc đàm phán để sớm ký kết EVFTA.

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Bình Quân cho rằng, vấn đề có ý nghĩa cốt yếu là phải nhận dạng chính xác các thách thức và đề ra các giải pháp khả thi, hữu hiệu trên tất cả các mặt, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, pháp luật và tổ chức thể chế.

Thách thức ở những điều khoản cuối

Kể từ sau khi Việt Nam và EU thiết lập lại mối quan hệ ngoại giao năm 1990, đến nay, mối quan hệ chính trị giữa hai bên được tăng cường, hợp tác các mặt được mở rộng, đặc biệt là hợp tác về thương mại, đầu tư. Trong vòng 12 năm, từ năm 2001 đến năm 2013, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đã tăng 7 lần, từ 4,5 tỷ USD lên hơn 33,7 tỷ USD...

Hiện nay, EVFTA đang trong quá trình khẩn trương đàm phán để có thể kết thúc vào thời gian ngắn nhất, dự kiến là đầu năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua trong quá trình đàm phán, nổi lên là các điều khoản cuối cùng đảm bảo tính tương thích của hiệp định với pháp luật trong nước. Bên cạnh đó là vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh; giải quyết tranh chấp, khởi kiện khi Hiệp định được ký kết...

Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết vấn đề này, cả hai bên cần tăng cường chia sẻ, cập nhật thường xuyên thông tin về tiến trình đàm phán Chính phủ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cần rà soát các quy định hiện hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung có tính áp dụng chung, nhất là về cải cách thể chế kinh tế, các vấn đề mới như mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, môi trường, chính sách cạnh tranh...

Hợp tác giữa Việt Nam và EU là vấn đề quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam đang ở trình độ thấp. Để giải quyết những thách thức trong quá trình thực hiện EVFTA, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nêu ý kiến: "Đối với Chính phủ không chỉ phổ biến thông tin mà cần hài hòa chiến lược phát triển của Việt Nam gắn với các đối tác, thị trường lớn để tối đa hóa lợi ích. Đối với doanh nghiệp cần tính được những lợi thế rủi ro, khả năng cạnh tranh, từ đó nâng cao giá trị gia tăng. Gắn với hợp tác này, chúng ta cần tận dụng tối đa. Doanh nghiệp không chỉ nghĩ tới việc tìm kiếm thị trường, tìm kiếm lợi nhuận mà cần hướng nâng cao năng lực, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ".

Thúc đẩy đầu tư, cải tiến công nghệ

EVFTA được đánh giá là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao theo tiêu chuẩn WTO+, được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực: hàng hóa, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, lao động và môi trường.

Theo kết quả nghiên cứu được Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) công bố trong Báo cáo Đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của EVFTA, EVFTA sẽ đem lại lợi ích bền vững cho cả hai bên, trong đó phần lợi ích của Việt Nam là trội hơn. Hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ, nhờ đó đẩy mạnh năng suất và tăng đầu ra trong nhiều ngành sản xuất của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU vào năm 2020 được dự báo tăng 110% so với năm 2007. Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều bao gồm dệt, may mặc, giày dép với mức tăng tương ứng là 10%, 26%, 34% so với khi không có EVFTA. Khu vực dịch vụ theo kỳ vọng cũng mở rộng đáng kể, riêng ngành vận tải và thương mại dịch vụ được dự kiến là tăng trưởng gấp đôi. Ngoài ra, Hiệp định được kỳ vọng là có tác động tích cực đến xã hội, với thêm 100.000 người thoát khỏi đói nghèo vào năm 2020. Các tác động tích cực nhất từ EVFTA được kỳ vọng sẽ diễn ra trong vòng sáu năm tới.

Thu Thủy