📞

EVFTA: Hiệp định tham vọng nhưng khả thi

09:52 | 04/01/2017
“Có ý kiến cho rằng EVFTA là hiệp định tham vọng nhưng tôi nghĩ hai bên hoàn toàn có thể thực hiện được. Tất nhiên, chúng ta cần phải bắt tay vào thực hiện kế hoạch ngay lập tức chứ không phải ngồi chờ kết quả tới”

Trường Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Bruno Angelet đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn TG&VN nhân dịp năm mới 2017.

Trường Phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet. (Ảnh: PH)

Chia sẻ với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cuối tháng 11 vừa qua, Đại sứ đã bày tỏ mong muốn nâng hạng vị trí của EU tại Việt Nam, Đại sứ có thể chia sẻ lộ trình hiện thực hóa mong muốn này trong thời gian tới?

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một nội dung quan trọng trong quan hệ đối tác giữa hai bên, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi muốn tập trung vào phát triển chất lượng chứ không phải là số lượng trong quan hệ với Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng EVFTA là hiệp định tham vọng nhưng tôi nghĩ hai bên hoàn toàn có thể làm được. Tất nhiên, chúng ta cần phải bắt tay vào thực hiện kế hoạch ngay lập tức chứ không phải ngồi chờ kết quả tới. Tiếp cận thị trường EU không chỉ là một thành công mà còn là bước đệm để Việt Nam tiếp cận các thị trường phát triển khác. Do đó, chúng ta cần chuẩn bị ngay từ bây giờ để quá trình xem xét, phê chuẩn EVFTA được thuận lợi.

Nếu Việt Nam ủng hộ EU trong quá trình phát triển thì EU cũng sẽ ủng hộ Việt Nam. Trên thực tế, hai bên cũng đã có nhiều sự gắn kết, được thể hiện qua lượng du học sinh Việt Nam tại EU. Việt Nam có lượng du học sinh tại EU lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, chúng tôi hy vọng con số này sẽ tăng lên trong những năm tới. Du học sinh chính là cầu nối giữa hai bên, sau khi trở về Việt Nam họ sẽ mang theo nhiều kiến thức không chỉ về lịch sử, nền văn minh châu Âu mà còn cả những kinh nghiệm phát triển của châu Âu để phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam.

Cổng thông tin dành riêng cho EVFTA sẽ cung cấp thông tin đầy đủ tới cho cộng đồng Doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và người dân. (Nguồn: Đầu tư Online)

Đại sứ có thể chia sẻ những trở ngại trong việc phê chuẩn Hiệp định quan trọng này?

Năm 2016 là năm kết thúc công việc kỹ thuật của EVFTA như rà soát pháp lý, thống nhất về ngôn ngữ, thuật ngữ trong các văn kiện, tài liệu và biên dịch sang ngôn ngữ của các bên liên quan. Việc phê chuẩn FTA này có thể diễn ra cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018. Chúng ta cần triển khai những biện pháp cấp bách để làm sao việc ký kết và phê chuẩn ở cấp độ chính phủ, quốc hội được tiến hành sớm và thuận lợi.

Chúng ta thấy ở EVFTA nhiều tiềm năng song cũng phải thận trọng. Sự thận trọng này đã được thể hiện cụ thể qua việc chuyến thăm của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới EU năm ngoái và đưa ra tuyên bố chung, trong đó hai bên đã phác thảo một lộ trình định hướng cho EVFTA. Lộ trình này nhằm chuẩn bị những công việc cụ thể phải làm để ký kết, phê chuẩn hiệp định, đồng thời xác định những khó khăn và mặt hạn chế của Việt Nam để EU có thể trợ giúp khắc phục. Thời gian tới, lộ trình định hướng này có thể được chốt để hai bên triển khai công việc một cách phù hợp.

Tôi cho rằng cả hai phía phải tập trung vào những vấn đề lớn, then chốt và những trở ngại có thể gặp trong quá trình triển khai EVFTA như vấn đề lương thực, an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn của nông sản Việt Nam khi xuất sang EU. Chúng tôi phải duy trì một tiêu chuẩn cao vì chúng tôi luôn hướng tới bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng EU. Chúng tôi không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào đối với sản phẩm của Việt Nam trong EU. Nhiều người cho rằng EU đã đặt ra các hàng rào kỹ thuật nhưng thực tế đó chỉ là những tiêu chuẩn cao và khi quốc gia nào muốn xuất khẩu sang thị trường EU thì phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đó.

Chương 15 trong EVFTA về phát triển bền vững, chúng tôi đưa ra các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm như bảo vệ môi trường, rừng, chống buôn người, động vật hoang dã… Chương này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn và tạo ra sự bền vững về thương mại. Tuy nhiên, chương này cũng có thể là một trở ngại đối với Việt Nam bởi để đáp ứng được yêu cầu nêu ra, Việt Nam cũng sẽ gặp phải không ít khó khăn và mất nhiều thời gian.

Thưa Đại sứ, việc Anh rời khỏi EU (Brexit) có tác động như thế nào tới quan hệ Việt Nam – EU?

Tôi cho rằng Brexit không có tác động nào tới quan hệ của EU với các nước khác. Nhìn vào EU, chúng ta cần có một cái nhìn tổng thể về quá trình và bề dày phát triển. Quá trình đó cũng giống như những thước phim, trước khi là những thước phim đen trắng và đến nay là những thước phim màu. Do đó, chúng ta không thể nhìn vào bức ảnh chụp EU vào một thời điểm cụ thể để đánh giá quá trình phát triển tổng thể của liên minh. Tôi cho rằng, những lập luận này cũng đúng với cả sự phát triển của Việt Nam. Bản thân EU cũng phải đối mặt với các vấn đề toàn cầu và các vấn đề địa chính trị trong một thế giới đang có nhiều thay đổi. Chúng tôi phải phát triển sự đồng thuận, đoàn kết trong EU để đối mặt với những đổi thay đó.

Sau sự kiện Brexit, mọi người nghĩ rằng sẽ có một cuộc khủng hoảng xảy đến nhưng rõ ràng là không có một cuộc khủng hoảng ở EU, đồng Euro vẫn ổn định, kinh tế liên minh vẫn ổn định, sự kiện trưng cầu dân ý tại Italy diễn ra nhưng cũng không tác động gì tới sự ổn định của EU. Có thể nói rằng, trong EU các thách thức luôn luôn tồn tại song chúng tôi đều có thể vượt qua.

Chúng tôi nhìn thấy một tương lai tươi sáng trong quan hệ Việt Nam - EU. Brexit cũng không tác động tiêu cực tới EVFTA. Hiệp định đã được ấn định và sẽ không có sự xem xét lại từ phía Anh – nước sắp rời khỏi EU. Các đồng sự của tôi ở Đại sứ quán Anh cũng đã khẳng định như vậy và họ phải gắn với các văn kiện FTA đã được thống nhất. Tôi hy vọng, việc ký kết cũng như phê chuẩn này sẽ được diễn ra trong lúc Anh còn đang đàm phán và chưa rời khỏi EU một cách chính thức. Tôi nghĩ, năm 2019 mới có thể kết thúc đàm phán việc Anh rời khỏi EU.