Chèo lái “con thuyền” Meta vượt qua sóng gió là bài toán không hề dễ cho CEO Mark Zuckerberg. (Ảnh minh họa: TMZ) |
Meta vừa báo cáo doanh thu 28,8 tỷ USD của quý II/2022, giảm 1% so với quý I, và là lần đầu tiên doanh thu giảm kể từ khi công ty này lên sàn chứng khoán vào năm 2012.
Lợi nhuận của công ty giảm mạnh hơn nhiều. Thu nhập ròng trong quý giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn gần 6,7 tỷ USD. Meta đã báo cáo mức giá trung bình cho mỗi quảng cáo giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, một dấu hiệu đáng lo ngại khi nhu cầu quảng cáo sụt giảm do suy thoái kinh tế gần đây.
Số lượng người dùng hoạt động hằng tháng trên ứng dụng Facebook cũng giảm nhẹ so với quý đầu tiên của năm 2022, từ 2,936 tỷ USD xuống 2,934 tỷ USD. Trong một hội nghị với các nhà phân tích ngày 27/7, CEO Mark Zuckerberg cho biết sự sụt giảm này đã được dự kiến và cho rằng có liên quan đến xung đột ở Ukraine. Ông nói: “Số lượng người đăng ký tài khoản Facebook hằng ngày vẫn tiếp tục tăng lên”.
Cạnh tranh gay gắt
Công ty dự kiến áp dụng lại quy trình đánh giá hiệu suất của nhân viên nghiêm ngặt hơn và tìm cách tăng năng suất nhằm vượt qua thời kỳ tăng trưởng chậm và sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ mới như Tiktok. Những thách thức đó đang trùng khớp với áp lực kinh tế vĩ mô lớn hơn, bao gồm lạm phát gia tăng và lo ngại suy thoái.
Ban lãnh đạo Meta đang chú ý đến sự tăng trưởng thần tốc của Tiktok, ứng phó bằng cách ra mắt dịch vụ video ngắn mang tên Reels nằm trong Instagram. Bước đi này tương tự cách Facebook đã vượt qua đối thủ Snapchat bằng việc đưa tính năng Stories lên các mạng xã hội của mình.
Meta đang phải nỗ lực chuyển đổi trên các ứng dụng, kế hoạch đầu tư và nhân sự. Trong những tháng gần đây, Zuckerberg cải tổ đội ngũ lãnh đạo, sa thải thẳng tay nhân viên có hiệu suất làm việc kém. Kế hoạch này được ông gọi là “làm nhiều hơn với nguồn lực ít hơn”.
Theo New York Times, Meta đã giảm chỉ tiêu tuyển dụng kỹ sư trong năm xuống 6.000 người, thay vì 10.000-12.000 như trước. Các quản lý cũng được thông báo giới hạn lượng thành viên tuyển dụng vào nhóm. Giám đốc sản phẩm Chris Cox cho biết tình hình kinh tế hiện nay cần đến những đội ngũ gọn gàng, đơn giản và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, sự sụt giảm doanh số của công ty dự kiến tiếp tục trong quý tới. Meta cho biết họ ước tính doanh thu trong quý hiện tại là từ 26 đến 28,5 tỷ USD.
Meta chỉ ra rằng doanh thu từ mảng phòng thí nghiệm thực tế ảo đang giảm và nhu cầu quảng cáo trực tuyến liên tục yếu kém do nền kinh tế không ổn định. Các công ty công nghệ khác, bao gồm Twitter và Snap, cũng đang đối mặt với việc ngân sách của khách hàng quảng cáo bị thắt chặt trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Meta đã gặp khó khăn sau khi Apple thay đổi ứng dụng theo dõi khiến mục tiêu quảng cáo trở nên khó khăn hơn.
Khó khăn của Meta còn đến từ đơn kiện chống độc quyền của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) vào ngày 27/7. Đơn kiện yêu cầu cấm Meta mua lại công ty thực tế ảo có tên là Within do vi phạm luật cạnh tranh. FTC cáo buộc rằng gã khổng lồ công nghệ đang cố gắng phát triển “đế chế thực tế ảo” một cách bất hợp pháp. Meta gọi lệnh đó là “sai sự thật và luật pháp”, nêu bật những rào cản pháp lý tiềm năng mà công ty phải đối mặt trong việc phát triển hoạt động kinh doanh thực tế ảo của mình.
“Canh bạc” của Meta
Không chỉ thay đổi Facebook, Zuckerberg muốn đưa Meta vượt khỏi khuôn khổ công ty mạng xã hội để tập trung vào metaverse (vũ trụ ảo).
Đây được xem là “canh bạc” của Meta, trong bối cảnh mạng xã hội vướng nhiều tranh cãi về quyền riêng tư, tin giả và nội dung tiêu cực. Trong khi chưa ai dám đảm bảo metaverse sẽ thành công, lợi nhuận và doanh thu của Meta những tháng gần đây liên tục giảm do đầu tư quá nhiều vào mảng này: Meta cho biết họ đã mất 2,8 tỷ USD trong quý II từ Phòng thí nghiệm thực tế ảo.
Giám đốc tài chính Dave Wehner cho biết rằng sáp nhập và mua lại chắc chắn là một phần trong chiến lược xây dựng metaverse và “chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các vụ mua lại trong tương lai” bất chấp sự ngăn trở của FTC.
Nhà phân tích cao cấp Jesse Cohen của Investing.com nhận định: “Công ty truyền thông xã hội này đang phải đối mặt với một số thách thức trong những tháng tới, chủ yếu là tăng trưởng doanh thu chậm lại do chi tiêu quảng cáo giảm, cũng như thiếu sự đổi mới và bổ sung các tính năng thân thiện với người dùng”.
Zuckerberg đã thông báo một số thay đổi trên Facebook để thúc đẩy tương tác, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sản xuất nội dung, thay vì chỉ lấy nội dung từ các tài khoản mà người dùng theo dõi. Hiện Meta đang đặt nhiều kỳ vọng vào tính năng chia sẻ video Reels trên Facebook và Instagram. Theo CEO Meta, hiện nay cứ sáu bài đăng hiển thị trên News Feed của Facebook và Instagram sẽ có một bài đến từ tài khoản không được người dùng theo dõi. Ông dự đoán tỷ lệ trên sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm tới. Do đó, công ty cần tốn nhiều chi phí để xây dựng hệ thống AI phù hợp.
Tháng 10/2021, CEO Zuckerberg bổ nhiệm ông Andrew Bosworth cho vị trí Giám đốc công nghệ Meta, lãnh đạo đội ngũ phát triển phần cứng cho metaverse. Nhiều nhân viên trung thành cũng được thăng chức như Javier Olivan làm Giám đốc tăng trưởng, Nick Clegg được bổ nhiệm Chủ tịch truyền thông và các vấn đề toàn cầu và Guy Rosen, với vai trò mới là Giám đốc an ninh thông tin.
Những thay đổi mà CEO Zuckerberg triển khai nhằm đưa Meta vượt qua khó khăn dù quyết liệt nhưng có lẽ phải mất nhiều thời gian để kiểm nghiệm mức độ thành công.
| Facebook mất một 'nữ tướng' Bà Sheryl Sandberg - Giám đốc vận hành (COO) của Meta - vừa thông báo trên tài khoản Facebook chính thức của mình rằng bà ... |
| Giới trẻ 'phải lòng' mạng xã hội, trách nhiệm của cha mẹ đến đâu? Đam mê mạng xã hội là một hiện tượng có thực ở giới trẻ. Vì quá đam mê mạng xã hội, người trẻ dành phần ... |