📞

Facebook với Ngọc Hoàng

21:07 | 27/01/2014
Chờ mãi vẫn không thấy Ngọc Hoàng (NH) xuống trần gian, Bút Trúc (BT) buồn lắm, vật vờ than vãn trên Facebook.
Ảnh minh họa.

BT: Năm ngoái Ngọc hoàng không xuống trần gian như thường lệ bởi lý do không có xe chính chủ mỗi khi vi hành, giấy khai sinh phải ghi tên bố mẹ mà Ngọc Hoàng không biết bố mẹ mình là ai… Nay tình hình đã đổi thay, sao Người vẫn bặt vô âm tín mặc dù đã hứa rồi.

NH: Khanh chỉ được cái nhớ dai, nhưng biết một mà không biết hai. Ta hứa là việc của ta, còn làm được hay không lại do hoàn cảnh khách quan nữa. Dưới trần đã quen nghe nhiều lời hứa mà có ai phàn nàn như ngươi đâu.

BT: Ồ, hóa ra NH vẫn theo dõi con trên Facebook, quí hóa quá. Như thường lệ, con vẫn báo cáo đầy đủ với NH về tình hình kinh tế thế giới và của nước Nam, không rõ NH đã xem qua chưa ạ!

NH: Rồi. Tuy nhiên căn bệnh cũ của khanh tái phát: rập khuôn, thích khoe trương thành tích, lại nghiện thói "thích làm đẹp các con số thống kê". Đã 5 năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, bức tranh dưới trần vẫn chưa hề sáng sủa. Nước Mỹ, tội đồ gây nên biến loạn vẫn có người đoạt giải Nobel kinh tế, mặc dù chính phủ đã phải ngồi chơi xơi nước mất mấy tuần, đến nỗi ông Obama thiếu kinh phí không đi dự Hội nghị ASEAN. Hóa ra họ nghèo thật, đến như mấy nước tiểu nông còn có chuyên cơ chở cả đội bóng toàn thua dự ngày hội thể thao ao làng, ấy là chưa kể các đoàn khác đi nước ngoài như bươm bướm.

Cái mừng là ở châu Âu, hiệu ứng vỡ nợ domino đã không xảy ra, khu vực đồng tiền chung châu Âu không bị tan rã. Hy Lạp đã nhận ra rằng không thể duy trì mãi các doanh nghiệp nhà nước lỗ triền miên vốn là nơi sinh ra để trả lương cao cho các sếp và là cái nhà trẻ để nuôi các cậu ấm, cô chiêu.

Còn ở khu vực khác, Trung Quốc giảm tăng trưởng nhưng vẫn ở mức rất cao và quan trọng hơn là họ đã chỉ ra căn bệnh để phát triển bền vững và tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng mới. Tại Đông Nam Á, các nước như Indonesia, Lào, Campuchia… vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ta nói thế là để phản bác khanh khi cho rằng: "Khủng hoảng là tại hướng đình - Cả làng khủng hoảng chứ mình ta đâu"

BT: Dạ thưa, kinh tế nước Nam năm Rắn, lột xác nhiều đấy chứ ạ! Xuất khẩu tăng, lạm phát giảm, nhiều nơi xóa đói giảm nghèo rất thành công.

NH: Biết rồi, khổ lắm. Chỉ khối FDI xuất khẩu tăng cao. Riêng Samsung thôi, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 cán đích 23 tỷ USD, phần lớn số tiền này nằm trong két sắt của Samsung, còn họ nộp ngân sách chỉ khoảng 49 triệu USD, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư hóa dầu muốn làm ăn ở nước Nam. Thật đáng mừng. Thế nhưng cứ theo ý tứ mà suy thì nước Nam còn nhiều cô-ta khí thải lắm, họ cũng nhìn ngó vào khoản lợi này đấy. Việc giảm lạm phát xuống mức 6% quả là kỳ tài, tuy nhiên vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Việc xóa đói giảm nghèo rất thành công, được Liên Hợp Quốc khen lắm. Tuy nhiên, ta có thông tin, nhiều bà con ở miền Trung không thích nhận bê cho không bởi vì khi nhận phải cam kết mình đã không còn là hộ nghèo nữa. Ta nghe thấy xót xa lắm. Có tin, quần quật làm một sào lúa, nhà nông chỉ hưởng lợi đủ mua hai bát phở. Thế thì họ sống bằng gì, nhiều nơi dân muốn trả lại ruộng.

BT: Thưa NH, giao thông vận tải là điểm sáng của năm nay, chả thế mà Táo Giao thông thấy không có gì nhức nhối để trình bẩm NH.

NH: Việc nhanh tay làm một số cầu vượt đã góp phần tránh ùn tắc nhưng đâu phải là giải pháp cơ bản. Cái chính là do hàng vạn doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu người thiếu việc làm, phải nằm ở nhà, lực lượng cửu vạn cũng không ra thành phố nữa, công nhân chưa nhận được lương nên không thể về Tết, 1/3 công chức ngồi chơi… nên đường sá thông thoáng là điều dễ hiểu.

Còn các công trình trọng điểm như cầu Nhật Tân, cao tốc Nội Bài- Lào Cai, đường sắt trên cao… đều chậm tiến độ đến vài năm. Về quy hoạch cũng còn tùy hứng lắm và cũng rất lãng phí. Nơi cần thì không có đường để đi, nơi thì làm đường để làm sân phơi lúa. Ở Ninh Bình còn chưa có nổi một đoạn đường tránh thành phố thì ai đó đã có sáng kiến mở đường cao tốc và đường sắt trên cao đến chùa Bái Đính để phục vụ du lịch tâm linh của bà con Hà Nội.

Ta vừa thăm mấy tỉnh phía Nam Trung Quốc, đi dọc các xa lộ hoành tráng suốt cả ngày mà chẳng thấy bóng dáng cảnh sát giao thông, thỉnh thoảng lại có biển báo: sắp có trạm bắn tốc độ. Quả là một cách làm trái ngược so với nước Nam.

BT: Đúng là có một số hiện tượng không đẹp mắt, nhưng nhìn đại cục thì thành tích của năm qua là vô cùng to lớn. Chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế đang được triển khai nhanh mạnh vào cuộc sống.

NH: Like. Chuẩn, không cần chỉnh nhiều. "Từ một quốc gia nhận tài trợ trong 20 năm qua, năm 2013, nước Nam trở thành quốc gia đối tác phát triển, lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam thường niên (VDPF), tập trung đối thoại về chính sách, kết nối giữa đối thoại chính sách ở cấp ngành với cấp quốc gia. Việt Nam đang tiến hành đàm phán 6 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác và nền kinh tế hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU… Trong bối cảnh mới, Việt Nam hiện đã bước vào ngưỡng của một quốc gia có mức thu nhập trung bình, quan hệ hợp tác phát triển đối với các đối tác phát triển và Việt Nam đã và sẽ có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp với bối cảnh thay đổi của viện trợ toàn cầu".

Trẫm đã trích nguyên văn bản báo cáo của khanh. Song, ta ái ngại một điều: Ai cũng đặt niềm tin chiến lược vào TPP, nhưng hầu như chưa ai chuẩn bị kỹ cho quá trình này. Đơn cử như ngành dệt may và giày dép, thị trường sẽ rộng mở, nhưng nguyên vật liệu đầu vào phải là xuất xứ từ các nước thành viên TPP chứ không phải cứ nhập mãi từ Trung Quốc. Ta chưa thấy có phương án quyết liệt về vụ này. Từ một nước cần mẫn làm ăn, khi vào WTO nhiều người lầm tưởng chẳng cần sản xuất, chỉ kinh doanh bất động sản và thị trường chứng khoán thì nước Nam sẽ hóa rồng. Bài học đó nếu không học kỹ thì còn gặt nhiều thảm bại. Chỉ còn 5-6 năm nữa, nước Nam phải trở thành một quốc gia công nghiệp hóa, nhưng thử tính xem trình độ khoa học - công nghệ hiện nay đang ở ngưỡng nào. Từ một cái xe máy đơn giản vẫn chưa thể tự mình làm.

Có một điểm khởi sắc gần đây là các vụ án tham nhũng đã được xét xử công minh, đi đâu ta cũng nghe những lời bàn tán và ngưỡng mộ. Nếu lôi ra những vụ lớn hơn, nhất là những quan tham như bên Trung Quốc họ làm thì sẽ là sự răn đe hữu hiệu phòng ngừa tham nhũng.

Năm nay ta không xuống trần gian còn vì một lẽ nữa. Ta thường nghe câu than: “Trời không có mắt”, ám chỉ ta mù, mà còn tệ hơn thế bởi mù vẫn có mắt. Nào là vụ ông Chấn 10 năm oan sai trong vòng lao lý, nào là vụ Cát Tường vứt xác mà bao nhiêu đồ đệ ngoại cảm của ta tìm mãi cũng không ra. Bao nhiêu kẻ vô tội đã chết vì tai nạn giao thông hoặc bởi sự tắc trách của các lương y hoặc các cô bảo mẫu…

Người trần vẫn nói: Người tính không bằng trời tính. Tuy nhiên, ta có thể tính hết được đâu. Nên đừng đổ mọi tội lỗi lên đầu ta. Thôi, chuyện quốc gia đại sự nói bao giờ cho hết. Vốn là chỗ thâm giao, ta với khanh còn có tình riêng nên chuyện riêng tư của khanh ta đều theo dõi.

BT: NH đã mở lòng, con cũng xin thành thật. Lúc về hưu con có tâm sự với người rằng: “Về hưu vẫn thích tòm tem - Vẫn mơ du lịch vẫn thèm cầy tơ".

Ai ngờ NH phơi lên facebook, nên vợ con biết, làm khổ con đủ điều, nhất là vì 2 chữ “tòm tem”. Con đã thành khẩn tự phê bình, nên vợ con đã tha, hơn nữa còn nối giáo cho giặc là: "Ngày trẻ đã rất tòm tem - Nay già khú đế, kiêng khem làm gì". Thật là hú vía!

NH: Thế còn nghề thuyết minh bóng đá của khanh thì sao?

BT: Số con lận đận, năm nay chỉ được giao tường thuật các trận đấu có đội nước Nam từ vòng chung kết SEA Games. Ai ngờ đội nhà bị rớt từ vòng loại. NH có cách nào giúp nền bóng đá nước Nam không?

NH: Tưởng gì, quá dễ. Cứ để đội nữ tham gia giải bóng đá nam, còn đội nam tham gia giải nữ thì thế nào hai đội cũng có giải. Khanh vẫn mê du lịch à?

BT: Hầu như tháng nào con cũng đi. Vừa rồi lại về quê nhà, có thơ hẳn hoi:

Lại về đây với xứ Thanh

Rau má đã hết, rừng xanh kiệt rồi

Chỉ còn có biển và tôi

Biển xanh vẫn hát những lời mẹ ru

Núi Nhồi vẫn dáng vọng phu

Trống đồng vẫn dóng ngàn thu với đời.

Tiễn đưa Quý Tỵ về trời

Đón mừng Giáp Ngọ lòng người nở hoa!

NH: Like, nhưng buồn quá! Đáng ra phải thay nút like bằng nút chia sẻ hoặc đồng cảm. Thôi, như thường lệ, nhân dịp năm Giáp Ngọ ta chúc khanh và Tòa soạn báo TG&VN một năm phi nước đại, mã đáo thành công!

Nguyễn Xuân (*)

(*) Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Xuân Nho, nguyên cán bộ Báo TG&VN