Sau cuộc họp kéo dài hai ngày (14 – 15/3), các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của FED) đã bỏ phiếu với tỷ lệ 9-1 để nâng mức lãi suất cho vay ngắn hạn thêm 0,25 điểm phần trăm lên mức 0,75 - 1%. Chỉ duy nhất có Chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis - Neel Kashkari bỏ phiếu chống vì ông muốn duy trì tỷ lệ lãi suất ổn định trong nền kinh tế.
Trong tuyên bố của Fed, FOMC còn đưa ra khá nhiều nhận định tươi sáng về nền kinh tế Mỹ. Theo đó, trước tình hình tăng trưởng của thị trường việc làm và gia tăng lạm phát đang diễn biến theo như kỳ vọng, đã đủ điều kiện để Fed quyết định tăng lãi suất cơ bản lần thứ 2 trong vòng 3 tháng. Những nhận định “tốt lành” từ Fed khiến nhiều chuyên gia kinh tế tin tưởng kế hoạch tăng lãi suất định kỳ thường xuyên của cơ quan này trong thời gian tới sẽ thành hiện thực.
Mức lãi suất cho vay ngắn hạn vừa được cộng thêm 0,25 điểm phần trăm lên mức 0,75 - 1%. (Nguồn: SCMP) |
Tuyên bố của Fed cho biết, mức lãi suất được điều chỉnh tăng là nhờ những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ trong những tháng qua với 230.000 việc làm mới mỗi tháng. Sức mua cũng được tăng cường và tỷ lệ lạm phát tăng trưởng ổn định trong các quý gần đây, đang tiến gần hơn đến mức mục tiêu 2% của Fed. Thị trường lao động đã tiếp tục tăng cường, nền kinh tế đang phát triển với tốc độ vừa phải, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,7%.
Các nhà làm chính sách tiền tệ của Mỹ cũng lạc quan về tình hình kinh tế toàn cầu khi khu vực đồng Euro tăng trưởng tốt và kinh tế Trung Quốc đã ổn định hơn so với thời điểm năm ngoài. Hai năm trở lại đây, với nhiều diễn biến bất ổn trên thế giới, Fed đã không ít lần trì hoãn tăng lãi suất vì lo ngại sự suy yếu của nền kinh tế thế giới sẽ kìm hãm sự phát triển của Mỹ.
Như vậy, đây cũng là lần thứ 3, Fed quyết định tăng lãi suất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Gần tám năm sau cuộc suy thoái kinh tế, nhiều người “thở phào” vì cuối cùng, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu trở lại quỹ đạo tăng trưởng như một nền kinh tế bình thường.
Tất nhiên, sự lạc quan của Fed không đồng nghĩa với việc cơ quan này sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự định. Tuyên bố của Fed vẫn khẳng định rằng, duy trì mức lãi suất thấp để tăng khả năng duy trì “bền vững” mức lạm phát mục tiêu. Nếu không có biến động nào đáng kể, Fed tuyên bố sẽ tiếp tục theo lộ trình nâng lãi suất hai lần nữa trong năm 2017 và ba lần trong năm 2018. Dự kiến, đến cuối năm 2019, tỷ lệ lãi suất dự kiến ở mức dài hạn là 3%.
Mức lãi suất được điều chỉnh tăng là nhờ những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ. (Nguồn: Yahoo) |
Tuy nhiên, trong bước đi đầu tiên được công bố kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Fed vẫn “án binh” không nhắc đến khả năng lãi suất sẽ tăng nhanh hơn, nếu Nhà Trắng thúc đẩy các chính sách ủng hộ tăng trưởng, trong đó có các chương trình chi tiêu và cắt giảm thuế.
Tăng lãi suất là một quyết định dành cho nước Mỹ, nhưng lãi suất lại là một biến số chủ chốt cho toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, là “cột mốc” cho lãi suất trên mọi tài sản tài chính khác. Lãi suất của nước Mỹ cao hơn, đánh dấu sự kết thúc của dòng tiền siêu rẻ, lạm phát sẽ bắt đầu tăng trở lại, tiết kiệm sẽ lại tăng cao, ngân sách Chính phủ sẽ chịu áp lực khổng lồ, và căng thẳng thương mại âm ỉ giữa Mỹ và châu Âu, Trung Quốc sẽ bùng nổ vì đồng Euro và Nhân dân tệ giảm giá.
Chẳng hạn, việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến tỷ giá USD và giá vàng thế giới có sự biến động. Khi lãi suất tăng lên, lạm phát - vốn đã bị “nhốt” nhiều năm qua, sẽ bắt đầu xuất hiện trở lại. Trong ngắn hạn, điều đó có thể thật sự là tốt – nhưng nếu chỉ báo này cho thấy các dấu hiệu trở nên mất kiểm soát thì sẽ có những vấn đề thực sự.