Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott gặp Thủ tướng Ấn Độ Modi nhằm thúc đẩy "thu hoạch sớm" FTA song phương, ngày 5/8 tại New Delhi. (Nguồn: PTI) |
Sứ giả có tầm ảnh hưởng
Quan hệ giữa Australia với Ấn Độ đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Bên cạnh nỗ lực gắn kết chính trị, quốc phòng, kinh tế cũng đang được cho là một động lực để đưa hai nước xích lại gần nhau hơn.
Đây chính là lý do mà Đặc phái viên của Australia về Ấn Độ, cựu Thủ tướng Tony Abbott cho rằng hai nước cần sớm kết thúc quá trình đàm phán FTA để có thể khai thác các tiềm năng, hợp tác cùng có lợi.
Australia và Ấn Độ bắt đầu đàm phán FTA vào năm 2011. Nhưng sau 6 năm với 9 vòng đàm phán và một nghiên cứu chung chi tiết, các cuộc thảo luận đã bị đình chỉ năm 2015 bởi lợi ích không song trùng giữa hai phía.
Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, bối cảnh quan hệ kinh tế quốc tế của cả Australia và Ấn Độ đều có sự thay đổi đáng kể.
Trung Quốc không còn là đối tác thương mại tốt nhất của Australia, Ấn Độ không còn "lăn tăn" trước đây đối với thị trường xứ sở kangaroo.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đều tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế thế giới nói chung và hai nước nói riêng. Nhiều quốc gia phải đối mặt với rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu, nguy cơ phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu, từ đó bất cứ quốc gia nào cũng có nhu cầu đa dạng hóa quan hệ kinh tế.
Việc bổ nhiệm cựu Thủ tướng Abbott làm Đặc phái viên của Australia về Ấn Độ cho thấy Canberra nhận thức rằng để đạt được bất kỳ một tiến bộ nào về FTA với New Delhi cần một nhà đàm phán giàu kinh nghiệm về chính trị và kinh tế.
Hơn nữa, các cuộc đàm phán bế tắc cũng cần được thúc đẩy bởi một chính trị gia mà New Delhi tin tưởng. Cựu Thủ tướng Abbott có mối quan hệ rộng rãi trong chính giới Ấn Độ.
Ông cũng là lãnh đạo Australia đã ký kết các FTA giữa nước này với 3 nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hướng đi mới
Trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế hiện nay, các FTA được ký kết trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ít nhiều không còn phù hợp với thời hậu đại dịch.
Cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc kinh tế, một số quốc gia muốn xây dựng nền kinh tế khác biệt hơn.
Ấn Độ hiện đang thực hiện lại chiến lược FTA để đảm bảo đạt được các lợi ích kinh tế đối ngoại, đồng thời vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế trong nước.
New Delhi cũng muốn “bù đắp” những tổn thất do rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thế nhưng, các FTA của Ấn Độ với Hàn Quốc và Nhật Bản trước đây mang lại kết quả trái ngược với kỳ vọng khi làm tăng thâm hụt thương mại từ 9 tỷ USD năm 2005 lên 83 tỷ USD vào năm 2017.
Do vậy, New Delhi cũng có tâm lý do dự đối với các FTA thời gian tới.
Trong số 5 FTA mà Ấn Độ đàm phán suốt 11 năm qua, mới chỉ có một hiệp định được ký kết.
Nỗ lực mới nhất của Ấn Độ nhằm khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại với Liên minh châu Âu (EU), Anh, Mỹ và Australia cho thấy New Delhi hiểu rằng việc mở cửa cho thương mại toàn cầu sẽ xác định mức độ mà nước này có thể thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước và khuyến khích các nước khác sản xuất tại Ấn Độ.
Ấn Độ đặt mục tiêu đạt 5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của toàn thế giới và 7% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ toàn cầu vào năm 2025, tăng tương ứng từ 1,67% và 3,54% hiện nay.
Sự bổ sung cần thiết
Trong bối cảnh đó, một FTA "thu hoạch sớm" giữa Australia và Ấn Độ rất có triển vọng.
FTA này có đạt được nhanh chóng hay không cũng phụ thuộc vào cách Canberra sắp xếp các mục tiêu xuất khẩu một cách sáng tạo, phù hợp với các ưu tiên đầu tư và chương trình xuất khẩu mới của New Delhi.
Có 6 yếu tố cho thấy 2 nền kinh tế có sự bổ sung cho nhau.
Thứ nhất, Ấn Độ cần nắm bắt công nghệ, sự đổi mới tốt nhất để sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh và tăng tỷ trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong khi đó, Australia là nền kinh tế toàn cầu hóa cao, thương mại chiếm 44% GDP, chắc chắn sẽ là một đối tác tiềm năng để Ấn Độ đạt được mục tiêu.
Thứ hai, Ấn Độ có thể xác định các doanh nghiệp Australia có ý định đầu tư sản xuất tại Ấn Độ hay không bằng cách tận dụng chương trình Khuyến khích liên kết sản xuất (PLI), một chương trình được thiết kế để thúc đẩy sản xuất trong nước thông qua các chính sách trợ cấp.
Thứ ba, tính bền vững là mục tiêu của các hoạt động thương mại và đầu tư mà cả hai nước đều hướng đến.
Các mục tiêu về năng lượng tái tạo của Ấn Độ phụ thuộc vào nguồn cung khoáng sản quan trọng. Do đó, việc gần đây Australia công bố danh sách 24 khoáng sản quan trọng mà nước này có thể trở thành nhà cung cấp tiềm năng có thể là cầu nối để liên kết hai nền kinh tế với nhau.
Thứ tư, trình độ của Australia trong ngành công nghiệp hydro có thể phù hợp với “Sứ mệnh Hydrogen quốc gia” của Ấn Độ.
“Sứ mệnh Hydrogen quốc gia” nhằm xúc tiến kế hoạch tạo ra nhiên liệu không carbon từ năng lượng tái tạo khi đặt mục tiêu đến năm 2047, Ấn Độ có thể tự chủ về năng lượng.
Thứ năm, Australia là một trong những quốc gia đi đầu trong nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học còn Ấn Độ được coi là trung tâm dược phẩm của thế giới.
Sự bổ sung này thúc đẩy tiềm năng thương mại dược phẩm sinh học, công nghệ sinh học biển, công nghệ sinh học sữa, sử dụng nước bền vững, công nghệ sinh học nông nghiệp và công nghiệp.
Thứ sáu, việc thu hút lao động có tay nghề của Australia bị đình trệ do các quốc gia đóng cửa biên giới vì đại dịch Covid-19.
Nếu có được FTA sớm, Canberra có thể thu hút lao động chất lượng cao từ Ấn Độ nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao và tăng cường hợp tác trong việc phát triển kỹ năng.