Việc tăng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may sẽ gặp nhiều lực cản bởi cơ chế phòng vệ ngưỡng (trigger). (Nguồn: KTĐT) |
Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý tại Hội thảo giới thiệu về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công thương và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức ngày 7/7.
53% tổng số dòng thuế giảm xuống 0%
Theo bà Đào Thu Hương, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính, cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EEU hầu như không cạnh tranh trực tiếp mà mang tính bổ sung cho nhau. Khoảng 53% tổng số dòng thuế giảm xuống 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Nhận định FTA với EEU là “bước ngoặt” với Việt Nam, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO của VCCI nhấn mạnh, thị trường Nga và bốn nước khác trong liên minh là thị trường rất rộng lớn và có nền kinh tế bổ sung với Việt Nam.
Đặc biệt, hiện nay thị trường Nga còn tương đối “đóng” do hàng rào thuế quan khá cao. Nga mới vào WTO năm 2012 và thuế quan cao so với các FTA khác. Việc FTA Việt Nam – EEU được ký kết sẽ tạo điều kiện cho hàng Việt Nam vào thị trường này tăng cao, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
“Liên minh EEU chưa có FTA nào, nên họ chưa dành quy chế thương mại tự do cho đối tác nào. Việt Nam ký với họ là một mình một đường. Nếu làm tốt thì lợi ích có được là vô cùng lớn”, bà Trang khẳng định.
Ông Bùi Hồng Minh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng cho hay, khi FTA Việt Nam – EEU có hiệu lực, hàng loạt các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Ví dụ, với dệt may, mặt hàng Việt Nam ước tính xuất khẩu khoảng 160-180 triệu USD vào khu vực này, có tới 82% tổng số dòng thuế cam kết cắt, giảm, 42% xoá bỏ hoàn toàn, có lộ trình tối đa trong 10 năm. Với mặt hàng giày dép, túi xách sẽ có 77% cắt, giảm thuế và 73% sẽ xoá bỏ hoàn toàn với lộ trình tối đa 5 năm. Ngoài ra, có tới 95% mặt hàng thủy sản sẽ được mở cửa hoàn toàn trong lộ trình tối đa 10 năm.
Về mặt hàng sắt thép, hiện tại tỷ trọng nhập khẩu sắt thép của Việt Nam chiếm 12% tổng kim ngạch nhập khẩu từ EEU. Theo Hiệp định, các nước cam kết xoá bỏ ngay dòng thuế đối với nguyên liệu thô, ống thép hàn, ống thép không hàn, thép cuộn cán nóng, thép đặc biệt và thép hợp kim chế tạo cơ khí... Bỏ thuế sau 5 năm với một số loại thép không gỉ, sản phẩm sắt thép...
Với mặt hàng phân bón, tỷ trọng nhập khẩu phân bón của Việt Nam chiếm 25% tổng kim ngạch nhập khẩu từ EEU. Bên cạnh đó, các đồ uống có cồn như bia, rượu vodka, rượu mạnh và rượu vang được xóa bỏ thuế nhập khẩu trong vòng 10 năm.
Đáng chú ý, theo cam kết về thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng từ EEU, ngay khi FTA có hiệu lực vào đầu năm 2016, Việt Nam sẽ xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng gia dụng, sản phẩm điện tử và linh kiện nhập khẩu từ EEU.
Theo Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), thời gian tới, EEU và Việt Nam sẽ cùng xây dựng website công bố thông tin các C/O để hai bên xác minh xuất xứ hàng hóa của các mặt hàng, góp phần chống gian lận thương mại; Khuyến khích áp dụng các phương thức điện tử trong thủ tục hải quan để nhanh giải phóng hàng hóa (không quá 48 giờ từ khi đăng ký tờ khai hải quan). Mặt khác, sẽ phải công bố công khai trên mạng các thông tin về pháp luật hải quan nội địa cũng như đầu mối giải quyết thủ tục hải quan để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Rào cản từ hạn ngạch
Đại diện cho phía doanh nghiệp, bà Đặng Phương Dung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam lo ngại, dù dệt may được coi là một ngành có thế mạnh khi Hiệp định có hiệu lực nhưng việc tăng kim ngạch xuất khẩu sẽ gặp nhiều lực cản bởi cơ chế phòng vệ ngưỡng (trigger) đối với dệt may.
Theo đó, mỗi nước thành viên khi tham gia Hiệp định đều đề ra một hạn mức nhập khẩu cố định và khi sản lượng nhập khẩu chạm ngưỡng quy định thì các nước sẽ tiến hành đánh giá mức tác động của mặt hàng đó đối với thị trường sở tại, sau đó mới ra quyết định xem sẽ áp mức thuế cao hơn hay giữ nguyên thuế suất 0% như ban đầu. Với ngành dệt may, Hiệp định đưa ra ngưỡng hạn chế là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không vượt quá 2 lần bình quân ba năm gần đây.
“Trong mấy năm qua, xuất khẩu của chúng ta sang các nước thuộc Liên minh rất thấp, nếu gấp 2 lần thì cũng chỉ dưới 1 tỷ USD. Vấn đề này phải sau 3 năm mới được xem xét lại, và 5 năm tiếp theo xem xét 1 lần nữa. Các doanh nghiệp rất quan ngại cơ chế này” – bà Dung lo ngại
Bên cạnh đó, vấn đề ngôn ngữ cũng là một trong những rào cản với doanh nghiệp của hai bên khi phần lớn các nước trong Liên minh đều sử dụng tiếng Nga.
“Tuy nhiên đây chỉ là khó khăn trước mắt, về lâu dài những doanh nghiệp có xu hướng mở rộng thị trường sang Liên minh Á – Âu sẽ phải đào tạo và phát triển đội ngũ nhân sự có trình độ và hiểu biết về quy định pháp luật của khu vực kinh tế này”, bà Dung cho biết.
FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu (EEU) bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Theo đánh giá bước đầu của Liên minh, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên sẽ đạt 10-12 tỉ USD vào năm 2020 so với khoảng 4 tỉ USD năm 2014. Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18-20% hàng năm.
Phan Mích