📞

FTA Việt Nam - EU: Sẽ hoàn thành năm 2014

08:31 | 11/10/2012
Những rào cản kỹ thuật và thương mại khiến EU vẫn là thị trường còn nhiều tiềm năng nhưng khó khai thác đối với doanh nghiệp Việt Nam sắp được dỡ bỏ.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU Karel De Gucht tại lễ ký khởi động vòng đàm phán tại Bỉ ngày 26/6.

Lý giải cho nhận định trên là việc ngày 26/6 tại Brussels (Bỉ), Cao ủy Thương mại EU Karel De Gucht và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa hai bên.

"Bánh ngon" nhưng... khó nuốt

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990, đặc biệt là từ khi ký Hiệp định khung về hợp tác năm 1995, quan hệ giữa Việt Nam và EU đã có nhiều sự phát triển tốt đẹp. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ năm của EU trong khối ASEAN. Ngược lại EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ. EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay, với kim ngạch 12,8 tỷ euro trong năm 2011. Năm 2011, EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD, với các mặt hàng chủ yếu là công nghệ cao bao gồm máy móc, thiết bị điện, máy bay, phương tiện giao thông, dược phẩm, sắt thép. Ngược lại, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là giày da, quần áo, đồ dệt may, cà phê, thực phẩm và đồ nội thất da.

Được cho là một thị trường lớn nhưng thuộc dạng "khó chiều", EU có những yêu cầu và quy định nghiêm ngặt trong việc đầu tư và bảo vệ các nhà đầu tư, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và thuận lợi thương mại; các tiêu chuẩn về sản phẩm, lao động và môi trường…

Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển để bắt kịp với những tiêu chuẩn tiên tiến về dịch vụ, sản xuất, hàng hóa nên nhiều lúc vẫn chưa đạt được tất cả những yêu cầu khắt khe từ phía EU. Hàng hóa từ Việt Nam sang EU chủ yếu là các sản phẩm thô. Chỉ cần một vài sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới hàng loạt sản phẩm khác vì các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh và chất lượng sản phẩm của EU rất cao.

Tuy nhiên, bên cạnh thách thức vẫn tiềm tàng nhiều cơ hội, đặc biệt các ngành sản xuất sẽ hưởng lợi từ sự cạnh tranh trong ngành dịch vụ, hậu cần. Nếu doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn có thể thăm dò khai thác thị trường dịch vụ tại EU trên những lĩnh vực ưu thế của Việt Nam như xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ y tá, hộ lý…

Mong muốn của đôi bên

Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa hai bên đem lại một thỏa thuận toàn diện trên các lĩnh vực biểu thuế, hàng rào phi thuế quan cũng như cam kết đối với các nội dung liên quan đến thương mại khác, nổi bật là vấn đề mua sắm, các vấn đề chính sách, cạnh tranh, dịch vụ và phát triển bền vững.

Theo ông Franz Jessen, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, việc ký kết Hiệp định FTA với EU sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích. Trước hết việc loại bỏ dần dần hoặc ngay lập tức 90 dòng thuế sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận sâu hơn vào thị trường EU, ngoài ra hàng hóa từ EU cũng dễ dàng đến tay người tiêu dùng Việt với giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, một lợi ích khác không trực tiếp nhưng có hiệu quả tốt đối với nền kinh tế là Việt Nam sẽ buộc phải tiến gần hơn đến tiêu chuẩn quốc tế về các vấn đề pháp lý như quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm Việt - ông Franz Jessen lấy ví dụ. Đây cũng là nguyện vọng của rất nhiều DN muốn làm ăn tại thị trường EU, muốn người tiêu dùng EU có thêm lựa chọn với hàng hóa giá rẻ và chất lượng phù hợp từ Việt Nam.

Sau khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, cả doanh nghiệp Việt Nam và EU sẽ đạt được những lợi ích riêng. Tuy nhiên cũng sẽ vấp phải những tác động chung, những bất lợi về cạnh tranh, chia sẻ thị trường khi giảm thuế. Cơ hội hay thách thức phụ thuộc vào sự chủ động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Mọi việc sẽ tốt đẹp nếu EU thấu hiểu điều kiện của Việt Nam, mềm dẻo và thiện chí trong quá trình đàm phán, làm sao hài hòa lợi ích của DN đôi bên, cũng như hạn chế thấp nhất các rủi ro cho hai phía. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần có một sự chuẩn bị, lộ trình thích hợp để đón đầu.

Được biết, vòng đàm phán đầu tiên của Hiệp định bắt đầu vào mùa thu tới. Thông thường, quá trình đàm phán sẽ kéo dài nhiều vòng, trong nhiều năm. Tuy nhiên, Cao ủy Thương mại EU, ông Karel De Gucht kỳ vọng sẽ hoàn thành xong Hiệp định FTA với Việt Nam trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10/2014.

Thành Châu