📞

G20 - Kỳ vọng có được giải quyết?

07:30 | 02/07/2017
Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới sẽ không chỉ là dịp để các nước thảo luận về các vấn đề “nóng” hiện nay, mà còn là nơi những nỗ lực ngoại giao được thể hiện.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng và khủng bố gây mất an ninh ổn định trên thế giới, Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế lớn (G20) lần thứ 12 (diễn ra từ ngày 7 – 8/7, tại Hamburg, Đức), được kỳ vọng sẽ tìm ra cách giải quyết cho các vấn đề quốc tế hiện nay. Hội nghị cũng sẽ đánh dấu một cột mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp nhau trên cương vị lãnh đạo hai siêu cường.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở Italy, ngày 26/5/2017. (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này lại là mối quan hệ giữa Mỹ và Đức, hai quốc gia đang có lập trường bất đồng trong nhiều vấn đề then chốt của thế giới như biến đổi khí hậu, thương mại tự do và người nhập cư. Việc thuyết phục Tổng thống Donald Trump bày tỏ thiện chí trong các vấn đề quốc tế hiện nay sẽ là nhiệm vụ khó khăn cho Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel.

Bất đồng chung

Đầu tiên, bà Merkel cần thuyết phục ông Trump xem xét lại quan điểm về vấn đề thương mại. Trong khi các quốc gia G20 chủ trương hình thành thị trường mở và xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, ông Donald Trump lại theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Chỉ trong vòng hơn 100 ngày cầm quyền, ông đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), yêu cầu thỏa thuận lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), đồng thời tăng thuế nhiều mặt hàng nhập khẩu chủ chốt. 

Ngoài ra, vấn đề người nhập cư cũng sẽ là một trọng tâm trong cuộc đối thoại giữa Mỹ và Đức. Việc dang tay tiếp nhận người nhập cư của Berlin đối lập hoàn toàn với quan điểm xây tường, “đóng cửa” nước Mỹ của Washington. Tuy nhiên, ít có khả năng ông Trump sẽ thay đổi ý kiến của mình, khi không khó để ông nhận ra những chính sách mềm mỏng của bà Merkel vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả ngay cả ở Đức.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu mới là vấn đề mà lập trường của bà Merkel và ông Trump có nhiều khác biệt nhất. Việc Tổng thống Trump đột ngột rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và thay đổi quan điểm về tác động của việc Trái đất nóng lên đã đặt Washington vào tình thế căng thẳng với các quốc gia còn lại trong G20, trong đó có Đức, nước không muốn thấy những nước chủ chốt khác như Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia có lượng khí thải lớn thứ nhất và thứ ba trên thế giới, rời khỏi Hiệp định.

Bên cạnh đó, những bất đồng liên quan đến kinh tế và chính trị cũng đang trở thành rào cản trong quan hệ Mỹ - Đức. Cuối tháng Năm vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích Đức không đóng góp tương xứng cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), đồng thời lên kế hoạch tăng thuế nhập khẩu xe Đức vào Mỹ tới 35%. Trong một động thái mới nhất, Berlin còn bị cáo buộc đã theo dõi các cuộc điện thoại, fax và máy tính của Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ.

Chính những khác biệt trong lập trường về các vấn đề quốc tế và những rạn nứt trong quan hệ song phương này càng khiến cho việc thuyết phục ông chủ Nhà Trắng của Thủ tướng Đức Angela Merkel khó khăn hơn.

Nhiệm vụ khó khăn

Tuy nhiên, việc lay chuyển nhà lãnh đạo Mỹ và lập trường của siêu cường này, nếu thành công, sẽ mang lại không ít lợi ích cho chính quyền của bà Merkel.

Đầu tiên, việc đăng cai G20 tại quê nhà cho phép nữ Thủ tướng chứng minh vai trò tổ chức của mình trong Nhóm nói chung và Liên minh châu Âu (EU) nói riêng. Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Đức cũng cần thể hiện rằng quan điểm cởi mở của bà luôn đi kèm với việc bảo vệ các giá trị phương Tây như tự do thương mại và toàn cầu hóa.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh EU đang hỗn loạn vì vấn đề Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) và những vụ khủng bố, trong khi chính quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa mới hình thành, bà Merkel càng trở thành nhân vật được kỳ vọng có thể dẫn dắt Liên minh ra khỏi cơn khủng hoảng. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Pew, 52% số người châu Âu được hỏi tin rằng bà Merkel “sẽ đưa ra những chính sách đối ngoại đúng đắn”. 

Còn nhớ, chỉ một tuần sau Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Italy cuối tháng Năm vừa qua, Thủ tướng Đức Merkel từng tuyên bố: “Thời đại mà chúng ta phải dựa hoàn toàn vào người khác đã phần nào kết thúc. Đã đến lúc người châu Âu cần nắm giữ vận mệnh của chính mình”. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa những lời nói hùng hồn trên sẽ đòi hỏi bà Merkel phải chứng minh khả năng ngoại giao và lãnh đạo của mình trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới.