📞

G7 - nơi thể hiện "phong cách Macron"

11:54 | 30/05/2017
Vị tổng thống 39 tuổi của nước Pháp đã tỏ ra không một chút bỡ ngỡ nào trong lần đầu xuất hiện tại diễn đàn quốc tế lớn - Hội nghị thượng đỉnh G7.

Một cú bắt tay giật mạnh và kéo dài không buông – cách bắt tay mang phong cách Donald Trump đã được tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sử dụng với chính vị Tổng thống Mỹ đặc biệt này. Ông Macron cũng đã sử dụng tiếng Pháp để nói chuyện với chuyện “tay bo” với ông Trump. Sau đó, ông lại sử dụng tiếng Anh để nói chuyện với nữ Thủ tướng Theresa May về hợp tác Anh – Pháp, tỏ rõ sự cảm thông sau sự kiện khủng bố tấn công Manchester, nhưng không kém phần cứng rắn khi quyết không nhượng bộ trước lời đề nghị về đàm phán Brexit.

Hội nghị G7 kết thúc trong bối cảnh 7 nền kinh tế lớn nhất Thế giới chưa đạt được thỏa thuận về biến đổi khí hậu. (Nguồn: Getty Images)

“Tuần trăng mật” của ông Macron vẫn chưa hết, nhưng những khó khăn mà ông sẽ phải đối mặt sau đó được cho là không hề dễ chịu. 39 tuổi, một cựu nhân viên ngân hàng đầu tư và là cố vấn kinh tế thân cận của người tiền nhiệm Francois Hollande, nhưng ông Macron vẫn chỉ bị coi là người ít kinh nghiệm chính trường.

Ông sẽ phải thế nào để dẫn dắt một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc, trong đó có nhiều cử tri đã buộc chọn bỏ phiếu cho ông chỉ vì họ không muốn lãnh đạo phe cực hữu - Marine Le Pen trở thành Tổng thống. Ông Macron cũng thừa hưởng một nền kinh tế yếu kém có tỷ lệ thất nghiệp cao gấp đôi so với Anh và Đức. Trước tiên, để thực hiện được những cải cách lớn nhằm vực dậy nền kinh tế Pháp đang trì trệ so với mức trung bình của Eurozone mà ông đã đặt ra, ông phải giành được chiến thắng lớn ở các cuộc bầu cử nghị viện sẽ diễn ra trong tháng tới.

Tuy nhiên, với ông Macron, 3 ngày Hội nghị thượng đỉnh G7, được gặp gỡ các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, tại trụ sở mới của NATO ở Brussels – Thủ đô Bỉ hay thị trấn cổ kính Taormina miền Bắc Italy đã giúp định hình nên phong cách Tổng thống Pháp Macrron cho nhiệm kỳ 5 năm tới.

Bên chiếc bàn tròn trong 1 tu viện cổ, 6 nhà lãnh đạo G7 đã tranh luận với Tổng thống Trump về thương mại và biến đổi khí hậu. Hội nghị kết thúc trong bối cảnh các nước chưa thể đạt được thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Ông Macron khẳng định sẽ không có chuyện điều chỉnh Hiệp định Paris để làm vừa lòng Mỹ.

Tại đây, ông Macrron cũng đã xây dựng được một mối quan hệ đặc biệt với vị Thủ tướng 45 tuổi của Canada - Justin Trudeau. Cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trudeau và ông Macron được cho là tín hiệu tích cực cho mối quan hệ giữa Pháp và Canada trong những năm tới. Ống kính truyền hình ghi lại cảnh hai nhà lãnh đạo trẻ tuổi thong thả đi dạo trong khu vườn bên bờ Địa Trung Hải và trò chuyện thân tình bằng tiếng Pháp. Trong khi đó, ở phía sau họ, Tổng thống Trump đang đứng đợi xe để di chuyển.

Sau cuộc gặp, Thủ tướng Trudeau viết trên mạng Twitter rằng, ông đã trò chuyện về vấn đề việc làm, an ninh và biến đổi khí hậu với tân tổng thống Pháp. Hai người cũng thoải mái trò chuyện về những đứa con của ông Trudeau và những đứa cháu của phu nhân Brigitte Macron. Người đứng đầu chính phủ Canada gọi ông Macron là một người bạn. Ông cũng rất hào hứng khi “có người còn trẻ hơn và năng động hơn tôi tham gia vào bàn tròn G7”.

Ngược lại, ông Macron nói với báo giới rằng: “Justin là một người truyền cảm hứng. Chúng tôi thuộc về thế hệ lãnh đạo mới sẽ làm thay đổi sâu sắc tầm nhìn và hành động trong các mối quan hệ quốc tế”.

Cả ông Macron và Trudeau đều thuộc thế hệ lãnh đạo mới sẽ làm thay đổi sâu sắc tầm nhìn và hành động trong các mối quan hệ quốc tế. (Nguồn: Getty Images)

Về Brexit, ông Macron và bà Merkel cùng có một thông điệp cứng rắn - "hãy li hôn, sau đó mới có thể nói về chuyện đàm phán".

Trong chiến dịch tranh cử, ông Macron đưa ra kế hoạch khôi phục hình ảnh của một vị Tổng thống Pháp, mà ông cho rằng, nhiều năm qua vị trí này đã bị mất điểm trước công chúng. Nội các mới của ông cũng đều là những người trung thành, trẻ tuổi và kín tiếng. Ngược lại với cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy nổi tiếng với đời tư rùm beng, tân Tổng thống Pháp thể hiện rõ quan điểm sẽ không chia sẻ nhiều với báo chí.

Như vậy, sau cuộc “cách mạng” khá ấn tượng ở quê nhà, Emmanuel Macron được coi là đã tạo nên những điều mới mẻ trên  trường quốc tế. Trở về sau Hội nghị G7, ông sẽ đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cung điện Versailles. Tuy nhiên, Pháp và Nga có thái độ trái ngược về Syria, Pháp cũng từng ủng hộ mạnh mẽ việc trừng phạt Nga. Bởi vậy, người ta dự đoán rằng, nhiều điểm thú vị của tân Tổng thống Pháp sẽ tiếp tục được bộc lộ trong những tuần tới.

(theo Bloomberg)