Đây là sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng các doanh nghiệp trong khu vực diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN từ ngày 11-15/11.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh ASEAN là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bởi đây là một khu vực sôi động với 630 triệu dân. ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới và được dự đoán sẽ đứng thứ 4 vào năm 2030 sau Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Năm 2017, ASEAN đã thu hút gần 140 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thay đổi công nghệ đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới và nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN dự kiến sẽ tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2025.
Điều này cũng có nghĩa sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra nhiều việc làm hơn.
Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định các nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy việc ban hành các chính sách và sáng kiến nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển thịnh vượng.
Cụ thể, các nước thành viên đã ký Nghị định thư thứ nhất sửa đổi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN và gói cam kết thứ 10 cuối cùng theo Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Bên cạnh đó, các nước cũng ký kết Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN và Nghị định thư thứ 4 để sửa đổi Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN; ký Hiệp định ASEAN về Thương mại điện tử và chứng thực Khung tích hợp kỹ thuật số ASEAN. Những sáng kiến này sẽ thúc đẩy các luồng thương mại và đầu tư trong ASEAN, giảm rào cản và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp.
Với chủ đề “Xây dựng ngày mai, kết nối hôm nay,” ABIS 2018 đã tập trung thảo luận các sáng kiến quan trọng của Cộng đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN; trong đó bao gồm hợp tác kết nối các thành phố thông minh trong khu vực, đối thoại với các nhà lãnh đạo để góp phần thúc đẩy việc ban hành các chính sách kết nối doanh nghiệp cũng như các sáng kiến tạo thuận lợi hóa cho các doanh nghiệp ASEAN hội nhập và phát triển, hợp tác với các đối tác lớn của ASEAN trong khu vực và trên thế giới như Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... và vinh danh các doanh nghiệp hàng đầu có sự đóng góp trong quá trình hội nhập.
Dẫn đầu đoàn gần 80 doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội nghị, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tiến sỹ Đoàn Duy Khương cho biết, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, đề xuất lên các nhà lãnh đạo ASEAN có thể tham gia hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cụ thể, sáng kiến Trung tâm ASEAN tại các nước ASEAN đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN năm 2010 - khi Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch, là tiền đề cho việc triển khai sáng kiến Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN của Singapore năm nay, với việc ứng dụng khoa học công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cũng như doanh nghiệp có thể kết nối một cách dễ dàng với nhau; trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm của các nước ASEAN cũng như toàn cầu.
Bên cạnh đó, VCCI cũng lựa chọn các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam tham gia vào Hội đồng tư vấn Kinh doanh ASEAN, cùng các nước thành viên triển khai sáng kiến hỗ trợ các doanh nghiệp vừa nhỏ trong việc tìm kiếm thị trường, công cụ tài chính, tư vấn để các doanh nghiẹp này có thể hội nhập tốt hơn.
Là một trong 3 thành phố của Việt Nam tham gia vào Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Nho Trung, cho hay việc tham dự hội nghị lần này là cơ hội vô cùng quan trọng để Đà Nẵng học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm từ các thành phố trong khu vực, đặc biệt là Singapore trong việc giải quyết các thách thức như quy hoạch, nguồn nhân lực, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như việc ứng dụng các công nghệ vào triển khai thành phố thông minh.
Ông Nguyễn Nho Trung chia sẻ, hiện Đà Nẵng đang hợp tác với Singapore trong việc xây dựng quy hoạch, thu hút đầu tư cũng như xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng tới đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố đáng sống, phát triển bền vững trong tương lai.