Đó là thông tin được ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) thông tin tại Họp báo Công bố kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế năm 2017 được tổ chức sáng 19/9, tại Hà Nội.
Cũng theo đại diện Tổng cục Thống kê, từ kết quả điều tra mẫu 3.500 doanh nghiệp thuộc ngành chế biến, chế tạo (là ngành có nhiều DN quy mô lớn, chịu tác động và ảnh hưởng nhiều từ hội nhập quốc tế) cho thấy, DN Việt đã phần nào sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế.
Theo kênh thông tin nhận biết, có tới 86,9% DN biết đến các FTA thông qua kênh truyền thông, 16,3% qua các hiệp hội, 15,1% qua cơ quan quản lý nhà nước, 10,8% qua đối tác kinh doanh, còn lại là 8,8% qua các kênh thông tin khác.
kết quả tổng điều tra kinh tế 2017 cũng cho thấy, các FTA cũng đã có tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. (Ảnh: DL) |
“Đặc biệt, có tới 83,9% DN ủng hộ Việt Nam tham gia các FTA quốc tế (trong đó 53,3% rất ủng hộ, 30.6% DN ủng hộ nhưng vẫn lo lắng), 2.9%DN cho rằng ký cũng được mà không ký cũng được, 12.6% DN không có ý kến, chỉ có 0,6% DN hoàn toàn phản đối” – ông Nguyễn Bích Lâm thông tin thêm.
Bên cạnh đó, kết quả tổng điều tra kinh tế 2017 cũng cho thấy, các FTA cũng đã có tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Cụ thể, 81,1% số DN đánh giá có bị ảnh hưởng bở FTA với cộng đồng kinh tế ASEAN, con số này với FTA Việt Nam – Nhật Bản là 69,1%, FTA Việt Nam – Hàn Quốc là 62,4%; FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu là 61%, FTA Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu 57.6% và các hiệp định khác là 5,6%.
Cũng theo ông Lâm, đánh giá về ảnh hưởng có lợi khi quan hệ với các đối tác nước ngoài, có 42,1% DN lạc quan với đối tác khu vực Đông Á Thái Bình Dương, 42,0% DN lạc quan với đối tác Mỹ; 35% DN lạc quan với đối tác Đông Nam Á và châu Âu, 23,6% DN lạc quan với đối tác Trung Quốc và 20,7% DN lạc quan với đối tác châu Mỹ Latin.
Trong các nội dung về FTA thì nội dung về thương mại hàng hóa có tác động tích cực nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN với 38,8%; có36,8% DN cho rằng đầu tư là nội dung tiếp theo tác động tích cực, thương mại điện tử là 35,1%; lao động là 31,2%; thấp nhất là chính sách cạnh tranh với 24.6%.
“Khi đề cập đến những mong muốn của DN từ Chính phủ/các cơ quan Nhà nước nhằm hỗ trợ các DN khi Việt Nam thực hiện các FTA, có tới 84,6% DN mong muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, 69,4% DN mong muốn được hỗ trợ cung cấp và hướng dẫn chi tiết thông tin về hiệp định; 55,3% DN muốn có được thông tin về thị trường nước ngoài; 48,9 DN muốn có thông tin về thị trường trong nước” – ông Nguyễn Bích Lâm thông tin thêm.
Cũng theo đánh giá từ đại diện lãnh đạo Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra kinh tế năm 2017 đã phản ánh toàn diện sự phát triển của các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp giai đoạn 2012 - 2017 trong phạm vi cả nước, theo các vùng kinh tế và từng địa phương.
Kết quả cho thấy, các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp của Việt Nam có xu hướng tăng chậm lại trong khu vực hành chính và sự nghiệp, nhưng tăng cao trong khu vực kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2012- 2017 đã có hiệu quả tích cực theo hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước, tạo mọi điều kiện cho khu vực kinh tế (nhất là khối DN) phát triển. Quy mô của nền kinh tế ngày càng mở rộng, số lượng DN tăng mỗi năm, số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể lại có xu hướng chững lại và chậm dần.
Tổng điều tra kinh tế năm 2017 cũng phản ánh điểm hạn chế đối với khu vực DN, đó là xu hướng nhỏ dần về quy mô lao động bình quân/DN, tiến trình xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp còn diễn ra khá chậm.
"Công nghệ thông tin chưa được ứng dụng hiệu quả trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan địa phương. Đây là hạn chế, bất cập lớn, cần nhịn nhận khách quan trong bối cảnh Việt Nam đã và đang triển khai cuộc CMCN 4.0" - ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.