📞

Gặp gỡ Italy, Tây Ban Nha và các địa phương Việt Nam

22:00 | 21/10/2015
Ngày 21/10, tại Hà Nội, Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao đã tổ chức buổi Tọa đàm gặp gỡ giữa Đại sứ quán Italy và Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam với đại diện lãnh đạo UBND, đại diện Sở/Phòng Ngoại vụ 38 tỉnh/thành trên cả nước. Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đến dự và phát biểu khai mạc sự kiện này.
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi "Gặp gỡ Italy".

Đây là lần đầu tiên hoạt động gặp gỡ, trao đổi giữa các địa phương của Việt Nam với các bộ phận trong từng cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được tổ chức.

Việt Nam đang tiến hành đổi mới mạnh mẽ hội nhập quốc tế với việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, trong đó có Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế.

Trong các năm 2013 - 2015, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh triển khai đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với: Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU)… Năm 2014, Việt Nam đã thông qua luật đầu tư mới với cam kết sửa đổi luật thông thoáng mạnh thu hút nhà đầu tư đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Tiếp theo việc vừa cùng với 11 thành viên kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương TPP, đến cuối năm 2015, Việt Nam cùng với các nước ASEAN hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN với dân số 600 triệu người, GDP trên 3.000 tỷ USD… Đây sẽ là cơ hội lý tưởng để các bạn bè quốc tế tham gia đầu tư kinh doanh, hợp tác tại Việt Nam.

Các đại biểu địa phương và cán bộ Đại sứ quán Italy tại Việt Nam tham dự buổi Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc các cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, các địa phương đang tham gia tích cực vào hội nhập quốc tế và Chính phủ xác định địa phương và doanh nghiệp là chủ thể quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công chiến lược hội nhập quốc tế.

Cho rằng quan hệ hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương, doanh nghiệp của Italy và Tây Ban Nha vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn tin tưởng, thông qua các cuộc tọa đàm này, các địa phương sẽ hiểu rõ hơn về khả năng, cơ hội hợp tác với Itay và Tây Ban Nha trên tất cả các lĩnh vực. Đại sứ và các cán bộ phụ trách từng lĩnh vực hợp tác sẽ cung cấp những thông tin cụ thể, thiết thực về định hướng, chương trình, dự án hợp tác đã, đang và sẽ được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt, một số doanh nghiệp hàng đầu của Italy và Tây Ban Nha đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm giúp các địa phương hiểu hơn về cách thức thu hút đầu tư, kinh doanh của hai nước này tại địa phương của mình.

Công nghệ cao - điểm mạnh của Italy

Tại buổi Tọa đàm, Đại sứ Italy tại Việt Nam Cecilia Piccioni và đại diện Phòng Thương mại, Bộ phận Thương vụ, Phòng Chính trị - Văn hóa - Lãnh sự… của Đại sứ quán đã chia sẻ thông tin về đất nước, con người, phong cảnh cũng như sự quan tâm đặc biệt của Italy và cộng động doanh nghiệp nước này đối với thị trường Việt Nam.

Đại sứ Cecilia Piccioni chia sẻ, dù hai nước xa nhau về địa lý nhưng có nhiều điểm tương đồng đáng ngạc nhiên. Việt Nam có 63 địa phương, Italy có 20 vùng, tỉnh, thành phố, có khả năng tự chủ rất cao trong hợp tác với các địa phương trên thế giới, đặc biệt là về hợp tác kinh tế. Về công nghiệp, Italy có hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa, có khu công nghiệp đặc thù tương thích cao với hệ thống sản xuất của Việt Nam. Trên thực tế, Italy có ít các tập đoàn lớn mà dựa vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ để phát triển thành doanh nghiệp toàn cầu…

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (thứ hai từ trái) và ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ (đầu tiên từ phải) chụp ảnh với Đại sứ Cecilia Piccioni và cán bộ Sứ quán Italy tại Việt Nam.

Cho rằng, Việt Nam có vai trò quan trọng ở Đông Nam Á, vì thế, Italy coi Việt Nam là đối tác chiến lược trong khu vực để đầu tư và mở rộng hợp tác. Hiện nay, đoàn doanh nghiệp Italy đã tham khảo các cơ hội, đặc biệt trong một số lĩnh vực như cơ sở hạ tầng như tham gia vào các gói thầu đường sắt, năng lượng, năng lượng tái tạo, về môi trường, chế biến thực phẩm... Đặc biệt, các doanh nghiệp Italy quan tâm hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ cao như: máy móc chế biến thực phẩm, dược phẩm, phát triển dự án công nghệ Nano cũng như đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao tại Đại học Cần Thơ và Tp. Hồ Chí Minh…

Cũng tại buổi Tọa đàm, Chủ tịch Phòng thương mại Italy và đại diện các doanh nghiệp như Piaggio (xe máy, động cơ), Datalogic (thiết bị đọc mã vạch), Công ty Hưng Yên Traphico (nhuộm)… cũng đã chia sẻ những thành công của họ khi đầu tư vào Việt Nam. Điểm nhấn quan trọng mà đại diện các doanh nghiệp này chia sẻ là sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn mới đầu tư cũng như sự ổn định về chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của địa phương đã là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp trên tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Thu hút năng lượng xanh, sạch của Tây Ban Nha

Phát biểu tại cuộc Tọa đàm chiều 21/10, Đại sứ Tây Ban Nha Alfonso Tena Garcia đánh giá lạc quan về quan hệ giữa hai nước, đặc biệt khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2009. Trong thời gian gian qua, hai bên có nhiều hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực phát triển như thực hiện các chương trình giảm nghèo, bình đẳng giới và bảo vệ môi trường. Quan hệ thương mại song phương tăng trưởng hàng năm, cùng với đó là lượng khách du lịch giữa hai nước cũng đang tăng trưởng với hơn 40.000 du khách Tây Ban Nha thăm Việt Nam hàng năm.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi "Gặp gỡ Tây Ban Nha".

Đại sứ Tây Ban Nha Alfonso Tena Garcia cùng các vị Tham tán Kinh tế và Thương mại, Trưởng phòng Hợp tác phát triển của Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam đều cho rằng, lĩnh vực còn hạn chế trong phát triển quan hệ đối tác chiến lược hai nước là mức độ đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng. Các công ty của Tây Ban Nha chưa nhận biết hết những cơ hội to lớn mà thị trường Việt Nam mang lại. Hai nước đang tạo ra môi trường pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư làm ăn sang thị trường của nhau, trong đó đã ký Điều ước quốc tế bảo vệ đầu tư, miễn thị thực, hàng không… và một số điều ước đang thỏa luận trong thời gian tới.

Hiện các công ty Tây Ban Nha, đặc biệt có thế mạnh trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, xây dựng, năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, sạch… đang quan tâm đến thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Các tỉnh có danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực này, hoàn toàn có thể cân nhắc thu hút các doanh nghiệp của Tây Ban Nha.

Kỳ vọng của địa phương

Các địa phương tham gia Tọa đàm cũng đã có chia sẻ về tiềm năng thế mạnh về kinh tế - xã hội của địa phương mình cũng như các dự án cần kêu gọi nhà đầu tư của Italy và Tây Ban Nha.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, toàn tỉnh đã quy hoạch được 3/7 Khu công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô, phân bón, thép và 04 Khu công nghiệp còn lại đang kêu gọi đầu tư để xây dựng, hoàn thiện hạ tầng.

Ông cho biết thêm, hiện tỉnh đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghệ sinh học, thực phẩm; Dịch vụ thương mại; Công nghệ thông tin, điện tử, điện lạnh, sản xuất lắp ráp thiết bị, linh kiện điện tử; Công nghệ cơ khí tự động hoá, năng lượng sạch. Bênh cạnh đó, Ninh Bình đã và đang phát triển 14 Cụm Công nghiệp để thu hút các dự án may mặc, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông lâm sản, cơ khí, chế biến lương thực…

Toàn cảnh buổi "Gặp gỡ Tây Ban Nha".

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Hải Phòng bày tỏ mong muốn tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác với thành phố Genova, Italy, đặc biệt là lĩnh vực quy hoạch để Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh. Bà đề nghị Đại sứ quán Italy quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp đến khảo sát và đầu tư vào Hải Phòng, nhất là trong lĩnh vực cảng biển.

Ông Mai Văn Nhiều, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An mong muốn các doanh nghiệp Tây Ban Nha đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn nguồn gene động thực vật; Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp và chế biến, xử lý chất thải ở các bãi rác tập trung; đánh giá sự thiếu hụt nguồn tài nguyên nước…

Ngoài ra, trong khuôn khổ của các cuộc tọa đàm, các địa phương như Phú Thọ, Đà Nẵng, Hải Dương, Vĩnh Phúc… cũng đã trao đổi với Đại sứ quán Italy và Tây Ban Nha về các dự án cụ thể mà tỉnh cần kêu gọi đầu tư.

Diễn ra trong một ngày làm việc, các địa phương và Đại sứ quán hai nước đến từ châu Âu vẫn còn rất nhiều điều muốn chia sẻ. Và, như ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao thì đây mới là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các hoạt động mà Cục này mong muốn tổ chức nhằm kết nối địa phương và doanh nghiệp Việt Nam với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, qua đó, thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư từ những thị trường tiềm năng đến với Việt Nam.

Bài: Hoàng NamẢnh: Quang Hòa