Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì cuộc gặp mặt các cán bộ hưu trí, các chuyên gia, học giả của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Anh Sơn) |
Tại buổi gặp mặt, sau báo cáo của Ban Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, các đại biểu đã phát biểu ý kiến đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban Quốc gia UNESCO trong bối cảnh tình hình có nhiều biến động, thách thức và khó khăn.
Trong đó, thành tựu nổi bật của Ủy ban trong năm 2023 là việc Việt Nam thành công trúng cử vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu cao (121/170); đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng các quốc gia thành viên UNESCO lần thứ 42.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã cảm ơn những ý kiến đóng góp chân thành, tâm huyết từ các nguyên lãnh đạo, chuyên gia, học giả và cán bộ lão thành của Ủy ban.
Thứ trưởng nêu rõ ý nghĩa mang dấu mốc lích sử khi Việt Nam đã lần đầu tiên cùng lúc tham gia vào 5 cơ chế quan trọng của UNESCO, bao gồm: Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025; Ủy ban liên chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025; Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026; Hội đồng tư vấn về Công viên địa chất toàn cầu nhiệm kỳ 2020-2024; Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.
Ở cấp khu vực, ta tiếp tục đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương và bắt đầu đảm nhiệm vị trí thành viên Ban Tư vấn Ủy ban Hải dương học liên chính phủ khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC WESTPAC) nhiệm kỳ 2023-2027.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Anh Sơn) |
Dấu ấn quan trọng khác trong năm 2023 là các chuyến thăm Trụ sở UNESCO của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; các chuyến thăm Việt Nam của Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO Firmin Edouard Matoko và Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo.
Các chuyến thăm này đã tiếp tục nâng cao quan hệ giữa Việt Nam và UNESCO, góp phần cụ thể hóa các định hướng hợp tác lớn và thực hiện nội dung của Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng khẳng định, thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các địa phương tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế (Lễ kỷ niệm 20 năm Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại tỉnh Phú Thọ, Lễ kỷ niệm 30 năm UNESCO ghi danh Quần thể Di tích cố đô Huế, Lễ kỷ niệm 20 năm ghi danh Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng…), nổi bật nhất là Hội thảo quốc tế về phát huy vai trò giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Hà Nội và Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại tỉnh Ninh Bình.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban Quốc gia Unesco trong bối cảnh tình hình có nhiều biến động, thách thức và khó khăn. (Ảnh: Anh Sơn) |
Năm 2023, Việt Nam đã đạt thêm 4 danh hiệu của UNESCO: Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được ghi danh là Di sản Thiên nhiên thế giới; 2 Thành phố Đà Lạt và Hội An gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo; UNESCO thông qua nghị quyết tham gia kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã hoan nghênh những thành tựu của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam trong năm qua, đồng thời chia sẻ những bài học, kinh nghiệm từ nhiều năm công tác tại Ủy ban cũng như những sáng kiến và ý tưởng nhằm tăng cường phát huy vai trò của Ủy ban, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, kết hợp nhu cầu hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế - xã hội và việc tuân thủ các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã chỉ đạo Ban thư ký đưa vào chương trình công tác của Ủy ban Quốc gia UNESCO trong năm 2024 và Chương trình hành động của Ủy ban trong thời gian tới.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, trong năm 2024, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự phối hợp thường xuyên và hiệu quả giữa Ủy ban và địa phương; tiếp tục triển khai MOU Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021-2025; tăng cường phát huy vai trò thành viên tích cực, chủ động tại diễn đàn UNESCO; tiếp tục đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; tranh thủ tri thức, nguồn lực của UNESCO để phục vụ phát triển bền vững…
Nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc chúc các đại biểu một năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc và an khang thịnh vượng.
Một số hình ảnh tại buổi gặp mặt:
Một số đại biểu dự họp mặt chụp ảnh lưu niệm. |
Ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO báo cáo tại buổi gặp mặt. |
Toàn cảnh buổi gặp mặt. |
Các đại biểu trao đổi bên lề. |
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt. |
Đường link tải ảnh tại đây.