Nhỏ Bình thường Lớn

Gặp người khai quật tinh hoa dưới lòng đất

Có dịp trò chuyện với TS. Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, tôi mới hiểu vì sao văn hóa Sa Huỳnh lại được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
TS. Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Linh Chi)
TS. Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Linh Chi)

Tôi gặp TS. Đoàn Ngọc Khôi nhân chuyến công tác, cùng đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đến tìm hiểu, khám phá về văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi (3-6/8). Mở đầu cuộc trò chuyện, vị tiến sĩ chia sẻ, văn hóa Sa Huỳnh như một cái duyên, gắn chặt 35 năm cuộc đời ông và “tôi mê lắm, đôi khi, câu chuyện văn hóa này tràn ngập cả trong giấc mơ...”.

Trong không gian trưng bày của Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh, có rất nhiều hiện vật của người Sa Huỳnh thời sơ kỳ đá, sơ kỳ sắt do chính TS. Khôi phát hiện. Có những hiện vật thuộc diện vô cùng quý hiếm - được ví như tinh hoa dưới lòng đất - với tâm điểm là những bộ trang sức của cư dân Sa Huỳnh cách đây hơn 2.000 năm.

Vén màn bí ẩn

TS. Đoàn Ngọc Khôi kể rằng, năm 1909, nhà khảo cổ M. Vinet (người Pháp) nghe tin dân chúng làm phát lộ một khu mộ nên quyết định đến tận nơi để tìm hiểu rồi phát hiện ở vùng cồn cát cạnh đầm An Khê (nay thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, vùng ven biển Sa Huỳnh) một khu mộ chum.

Trong Tập san của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (B.E.F.E.O), ông M. Vinet viết: “Một kho chum ước tính khoảng 200 chiếc vùi không sâu trong cồn cát ven biển. Những chiếc chum bằng đất này có chiều cao trung bình 0,80m, khác nhau về cách tạo dáng trong chứa những chiếc nồi, bình bằng gốm và những đồ trang sức bằng đá quý, thuỷ tinh”.

Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi nói: “Đó được xem như thông báo đầu tiên về văn hóa Sa Huỳnh”.

Từ khu mộ nói trên, trải qua nhiều đợt khai quật, các nhà khảo cổ học người Pháp liên tục phát hiện các dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử, tìm thấy khoảng 500 mộ chum có chứa nhiều loại đồ tùy táng phân bố dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

TS. Khôi khẳng định, Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu.

Sau nhiều lần khảo sát, TS. Đoàn Ngọc Khôi cùng cộng sự tiến hành khai quật khảo cổ tại địa điểm xóm Ốc (Lý Sơn). Qua khai quật đã xuất lộ tầng văn hóa của cư dân xóm Ốc dày trên 1,5m. Đặc biệt là có mộ táng xen lẫn trong tầng văn hóa, gồm có mộ chum, mộ vò. Điều này chứng minh niên đại văn hóa Sa Huỳnh ở Lý Sơn kéo dài từ giai đoạn sớm đến muộn.

Tin liên quan
Đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam khám phá văn hóa Sa Huỳnh Đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam khám phá văn hóa Sa Huỳnh

Sau đó, TS. Khôi tiếp tục tham gia khai quật khảo cổ tại suối Chình (Lý Sơn), phát hiện mộ vò, mộ nồi và các tầng văn hóa vỏ nhuyễn thể đan xen với gốm, đây là giai đoạn muộn của nền văn hóa ở xóm Ốc. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh cư trú trên đảo Lý Sơn khoảng từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên và kết thúc ở khoảng thế kỷ thứ II sau Công nguyên.

“Một trong những thành tựu của văn hoá Sa Huỳnh là kỹ nghệ chế tác đồ trang sức và phong cách sử dụng của chủ nhân nền văn hoá này. Sự xuất hiện phong phú đồ trang sức, đa dạng về chất liệu cho thấy, cư dân Sa Huỳnh khéo tay và thẩm mỹ cao. Văn hoá Sa Huỳnh ưa chuộng đồ ngọc. Ngoài ra, thuỷ tinh nhân tạo là một thành tựu rực rỡ của văn hoá Sa Huỳnh. Sa Huỳnh là một trong những nơi làm ra thủy tinh nhân tạo sớm trên thế giới”, TS. Đoàn Ngọc Khôi cho biết.

Lan tỏa và bảo tồn di sản

Miệt mài nghiên cứu và có nhiều phát hiện quan trọng về giá trị văn hóa Sa Huỳnh, tuy nhiên, điều mà Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi luôn trăn trở là làm thế nào để những di sản văn hóa phát hiện từ khảo cổ được biết đến nhiều hơn và làm sao để giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đó.

TS. Khôi hồ hởi “khoe” rằng, ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh gồm năm địa điểm: Di tích Long Thạnh, Di tích Phú Khương, Di tích Thạnh Đức, Di tích đầm An Khê - lạch An Khê và Quần thể di tích Champa.

TS. Đoàn Ngọc Khôi (bên trái), Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ về văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: L.C)
TS. Đoàn Ngọc Khôi (bên trái), Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ về văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: L.C)

Đầm An Khê (thị xã Đức Phổ) là đầm nước ngọt nằm cạnh biển lớn nhất Việt Nam với diện tích mặt nước 347 ha. Nơi đây hình thành nên các nền văn hóa Champa, văn hóa Sa Huỳnh. Đầm nước này vẫn hiện hữu dấu tích về không gian sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh xưa.

TS. Đoàn Ngọc Khôi nhận định, việc công nhận Văn hóa Sa Huỳnh là Di tích quốc gia đặc biệt là cơ sở pháp lý để bảo vệ di tích này.

“Hiện nay, điều đáng mừng là cảnh quan di tích này tại Sa Huỳnh đều giữ nguyên vẹn. Người dân Sa Huỳnh vẫn sống bằng nghề đánh bắt cá trên đầm An Khê, nghề làm gốm, nông nghiệp. Có thể thấy, không gian sống đó đã tái hiện không gian Sa Huỳnh cổ, từ đó, người dân trở thành điểm kết nối với du khách trong và ngoài nước”.

Thời gian tới, để Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh phát huy thế mạnh về tài nguyên di sản văn hóa, TS. Khôi cho hay, tỉnh sẽ tập trung cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt. Đây là cách tốt nhất để kết nối quá khứ với hiện tại, để bảo tồn và phát huy giá trị của lịch sử ngay tại không gian văn hóa Sa Huỳnh - một trong ba trung tâm văn minh lớn ở thời đại kim khí của Việt Nam.

Đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam khám phá văn hóa Sa Huỳnh

Đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam khám phá văn hóa Sa Huỳnh

Chiều 3/8, đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đến tìm hiểu, khám phá về văn hóa Sa Huỳnh tại Bảo tàng ...

Một ngày khám phá đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Một ngày khám phá đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Ngày 5/8, đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đến tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch nổi tiếng tại đảo ...

Ra mắt hiện vật mới của văn hóa Sa Huỳnh

Ra mắt hiện vật mới của văn hóa Sa Huỳnh

Ngày 8/7, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Nhân học đã công bố các hiện vật ...

Khám phá đầm An Khê - dấu ấn trên bản đồ du lịch Quảng Ngãi

Khám phá đầm An Khê - dấu ấn trên bản đồ du lịch Quảng Ngãi

Chiều 4/8, đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đã tham quan, khám phá đầm An Khê - đầm nước lớn nhất ...