📞

Gặp ông Tây làm nông dân ở miền Trung

07:45 | 14/10/2016
Nói Nikolai Alexandrovich là nhà đầu tư cũng đúng nhưng bảo anh là nông dân cũng không sai.
Anh Nikolai Alexandrovich trao đổi với kỹ sư Trần Văn Hoàng trên đầm tôm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Nói thế bởi Nikolai đã góp vốn đầu tư vào Việt Nam gần 1,5 triệu USD để nuôi tôm thẻ chân trắng ở Quảng Bình, trồng cà phê, tiêu ở Gia Lai, trực tiếp tham gia quản lý rồi ra đầm, ra vườn làm việc như một nông dân Việt thực thụ.

Gặp anh tại đầm nuôi tôm ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, anh đã kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian gần 10 năm gắn bó với nông nghiệp Việt Nam và ước mơ mang những sản phẩm nông nghiệp sạch xuất khẩu về thị trường Liên bang Nga.

Từ ước mơ nông sản sạch Việt trên kệ siêu thị Nga

Thật ra, Nikolai Alexandrovich là một nhà kinh tế và có salon ô tô tại Moscow, Nga. Việc kinh doanh các năm 2005-2007 khó khăn khiến anh đóng cửa salon và đi du lịch.

Nikolai bắt đầu cuộc hành trình đầu tiên là đến Việt Nam do anh có người thân từng là chuyên gia  (bác sĩ) làm việc tại Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa và Việt Nam - Nga là hai nước có nhiều “ân tình với nhau”.

Nhưng anh không nghĩ, chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam ấy đã giữ chân anh ở lại với mảnh đất hình chữ S lâu đến thế. Đơn giản vì “tôi thích Việt Nam ngay từ khi đặt chân đến và hàng năm tôi thường xuyên sang thăm các địa danh du lịch của đất nước xinh đẹp này”, Nikolai thú nhận.

Anh bảo, đi nhiều, anh thấy yêu mảnh đất miền Trung nắng gió, yêu những cánh rừng của Tây Nguyên và yêu các đặc sản nông nghiệp Việt Nam. “Gạo của các bạn rất ngon, cà phê và hồ tiêu của các bạn xuất khẩu khắp thế giới nhưng ít thấy ở Nga”, anh nói.

Thế là thêm lý do khiến anh đi đi, về về giữa hai nước chỉ để tìm hiểu xem làm được gì cho những mặt hàng nông sản Việt, để có thể xuất khẩu về thị trường quê nhà. Nikolai đã mất hơn 5 năm đi lại như vậy, tìm hiểu về quá trình sản xuất gạo, cà phê, hạt tiêu cũng như làm thế nào để xuất về Nga.Rồi, anh quyết định đầu tư từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu “dù mình làm ở quy mô nhỏ”, Nikolai tâm sự.

Anh đã rót gần 1 triệu USD (20 tỷ đồng) để trồng 10 ha cà phê và tiêu ở Đắk Lắk và Gia Lai. Anh cũng kết hợp với những doanh nghiệp chế biến cà phê hàng đầu Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu... Thành quả sau hơn một năm là vài container cà phê, tiêu của Việt Nam với nhãn mác, xuất xứ đầy đủ bằng tiếng Nga có mặt trên các kệ hàng của siêu thị ở Moscow. Cùng với đó, gần 100 tấn gạo của Việt Nam do chính Nikolai kiểm soát từ lúc trồng đến lúc thu hoạch cũng lên đường sang Nga.

Sản phẩm gạo và cà phê của Việt Nam do Nikolai và Oleg bán tại Nga

“Tôi thích sự tỉ mỉ, thích được trực tiếp tham gia vào từng công đoạn sản xuất và thấy thành quả của mình”, Nikolai nói. Nhưng tôi hiểu, ẩn ý sâu xa trong đó là sự chắc chắn của anh, muốn làm ra những sản phẩm tốt nhất và an toàn nhất đưa trở về quê hương.

Duyên nợ với con tôm Việt

Tiếp tục nghiên cứu những mặt hàng nông sản Việt, anh đã chọn con tôm. Vậy là Nikolai cùng người anh em kết nghĩa - Phạm Minh Toàn lại rong ruổi các tỉnh ven biển của miền Trung và miền Nam để tìm kiếm cách làm, đối tác cũng như kỹ thuật nuôi… Sau gần năm rưỡi, anh quyết định góp vốn với Công ty Cổ phần Thanh Hương của “anh hùng nuôi tôm trên cát” Võ Đại Nghĩa.

Theo anh, “đây là đối tác có nhiều năm kinh nghiệm, có cơ sở hạ tầng tốt phục vụ nuôi tôm thẻ chân trắng” và yếu tố có tính quyết định là “tôi đã tin tưởng ông Nghĩa ngay từ lần gặp đầu tiên”, Nikolai chia sẻ.

Qua những lời tâm sự của anh, tôi hiểu, đó là sự đồng điệu giữa những con người có cùng đam mê và dám vượt qua khó khăn. Thế nên, chỉ sau đôi lần gặp gỡ, họ đã cùng nhau hợp tác để mở rộng cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại ngay nơi Thanh Hương đang sản xuất. Một khu vực nuôi tôm rộng tới 70 ha được hai bên vạch lộ trình thực hiện.

Để có vốn đầu tư, Nikolai đã kêu gọi anh em, bạn bè cùng sang đầu tư và được người em trai - Oleg Alexandrovich hưởng ứng nhiệt tình. Ngay lập tức 28 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP được các bên đưa vào sản xuất thử nghiệm trong những tháng đầu năm 2015, tức là chỉ sau hai tháng gặp gỡ.

Khi tôi hỏi, sao anh làm mọi thứ nhanh thế? Nikolai bảo “tôi đã nghiên cứu trước nên gặp đối tác chuyên nghiệp như ông Nghĩa, tôi chỉ việc làm thôi”.

Anh Võ Đại Nghĩa (trái) và Oleg Alexandrovich cười tươi sau vụ thu hoạch tôm.

Anh cũng bảo, để có được “sự nghiên cứu trước ấy”, anh phải cảm ơn Cơ quan đại diện ở nước ngoài của Việt Nam và Liên bang Nga. Đặc biệt là các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã tận tình hướng dẫn thủ tục, giới thiệu, thẩm định giúp các đối tác ở Việt Nam. Rồi chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ các thủ tục cần thiết cho anh, một nhà đầu tư nhỏ.

Ngồi bên cạnh, anh Toàn góp thêm, Nikolai đã đi khắp, gần như thông thuộc các địa điểm ven biển miền Trung trước khi “đậu lại ở đây”. Những tháng đầu tiên làm tôm, Nikolai gần như mất ngủ, người gầy rộc. Phần vì phải nghiên cứu nhiều, phần vì lo lắng cố gắng cho kịp thời vụ.

Nhìn anh, tôi thấy một sự quyết tâm, nỗ lực để đạt được những gì mình mong muốn và cũng cảm nhận được những khó khăn, vất vả mà anh đã trải qua.

Người truyền cảm hứng 

Anh không giống như những nhà đầu tư khác, chỉ tham gia đầu tư tài chính hoặc quản lý, điều hành mà còn trực tiếp xuống đầm, tham gia sản xuất cùng các kỹ sư, công nhân nuôi tôm.

Bạn sẽ khó tưởng tượng nếu không chứng kiến điều kiện Nikolai làm việc ở đây. Trang trại nuôi tôm là khu vực khép kín cách khu dân cư khoảng 10km. Anh ở trong một căn nhà cấp bốn đơn sơ bên cạnh dãy nhà dành cho các công nhân khác, giữa vùng mênh mông chỉ có biển một bên và các cồn cát trắng một bên.

Hàng ngày, trên người chỉ áo phông, quần cộc, anh ra đầm (rộng 2.700 - 4.000m2/đầm) để giám sát, hướng dẫn các kỹ sư và công nhân chăm sóc tôm và đi bộ tới hơn 30 đầm như vậy dưới trời nắng gió miền Trung.

Mỗi nơi, anh đều xem xét cẩn thận xem con tôm sinh trưởng ra sao, quy trình cho ăn, chăm sóc… có đúng không. Anh cũng kiểm tra từng động cơ đang chạy tạo oxy cho tôm, xem nguồn nước cung cấp vào hồ chứa trước khi bơm vào đầm… Cứ như vậy, anh cần mẫn như một “lão nông Việt” thực thụ trên đầm tôm của mình.

Anh Nikolai Alexandrovich và người anh em kết nghĩa Phạm Minh Toàn trước căn nhà cấp bốn Nikolai ở giữa khu công nhân. (Ảnh: Tuấn Anh)

Gặp Trần Văn Hoàng, quê Nghệ An, là kỹ sư học Đại học Thủy sản Nha Trang ra đã có 8 năm làm việc tại đây, Hoàng bảo, Nikolai không về Nga thì thôi chứ ở đây lúc nào cũng ở ngoài đầm nuôi tôm. “Ông ấy cứ đầu trần đi như thế đấy”, kỹ sư Hoàng - người quản lý kỹ thuật 7 đầm tôm với gần chục công nhân, cười nói.

Trò chuyện với Hoàng, anh hào hứng nói về việc ứng dụng công nghệ sinh học không dùng kháng sinh, hóa chất trong nuôi tôm, về quy trình nuôi trong ao bạt trên cát theo hướng VietGAP, về chọn giống nuôi mới... Tôi không hiểu nhiều về những chi tiết kỹ thuật anh nói, nhưng qua cách nói chuyện, tôi biết ai là người đã truyền cảm hứng cho anh.

Trở về khu vực dành cho công nhân ở, tôi thấy có hai thanh niên trạc 18 tuổi cắp cặp đứng đợi. Hỏi chuyện, hóa ra Trần Tiến An và Trần Tiến Anh là anh em sinh đôi, con của một cán bộ trong công ty đang đứng chờ “thầy Nikolai” về dậy tiếng Nga. “Thầy dạy khoảng hai tiếng trước khi ăn cơm trưa”, Tiến An nhanh nhẩu.

***

Sau một ngày dưới cái nắng, cái gió và cát biển Quảng Bình, đêm đến tôi cũng mất ngủ trong âm thanh rào rào, rào rào… của tiếng cánh quạt tạo oxy trên đầm tôm.

Tôi nhớ, Nikolai bảo, tôm nuôi theo VietGAP đạt năng suất 10 tấn/ha, cỡ thu hoạch đạt trung bình 60 con/kg. Dự kiến sau vụ này, liên doanh của anh sẽ mở rộng thành 60 đầm tôm (tương đương với khoảng 24 ha) và con số lao động sẽ tăng từ 30 hiện nay lên 100 người. Rồi anh bảo sẽ xây cả khu vực sơ chế, trữ tôm đông lạnh, dần dần đến chế biến xuất khẩu. Anh cũng bảo sẽ mở rộng khu vực trồng tiêu, trồng cà phê, nghiên cứu trồng ớt, chế biến tôm chua ngâm ớt…

Những dự định đó của anh cứ đeo bám trong suy nghĩ, khiến tôi càng khó ngủ. Nhưng tôi biết một điều, những dự định ấy sẽ giúp nông sản Việt xuất hiện nhiều hơn ở thị trường Nga - nơi mà Oleg Alexandrovich đang tích cực tìm kiếm đối tác tiêu thụ. Nhờ đó, các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình sẽ có những hướng đi mới, còn người dân sẽ trụ được trên mảnh đất của mình.

Lúc chia tay, Nikolai bảo, nuôi tôm cũng bị ảnh hưởng sau vụ Formosa, nhưng anh cười nói “tôi chưa chậm lương hay cho ai nghỉ việc đâu đấy”.

Anh Nikolai Alexandrovich trên hồ nước gom từ biển lên. (Ảnh: Tuấn Anh)

      

Hai anh em song sinh Trần Tiến Anh và Trần Tiến An (trái) và "thầy" Nikolai Alexandrovich cùng các cán bộ kỹ thuật tại khu đầm tôm. (Ảnh: Tuấn Anh)