📞

Gấp rút dựng lại cầu gỗ dài nhất Việt Nam

11:17 | 24/12/2022
Cầu gỗ Ông Cọp ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có chiều dài khoảng 800m, được xem là cầu gỗ dài nhất Việt Nam.
Dựng lại cầu gỗ Ông Cọp dài nhất Việt Nam. (Nguồn: Dân trí)

Cầu ông Cọp bắc qua sông Bình Bá nối liền các thôn phía bắc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An với phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên).

Cầu được xây dựng lần đầu vào năm 1998 với tổng chi phí hơn một tỷ đồng do ông Nguyễn Phước Thọ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) tự bỏ tiền ra đầu tư.

Cầu có chiều dài khoảng 800m và rộng từ 2-2,3m. Chính vì chiều dài "khủng" mà cây cầu này đang nắm giữ kỷ lục "cầu gỗ dài nhất Việt Nam".

Vật liệu chính của cầu là những tấm ván gỗ làm từ thân cây phi lao, bạch đàn. Thành cầu làm bằng những thân tre già. Cầu chỉ thiết kế để xe máy, xe đạp và người đi bộ sử dụng.

Vì đây là cây cầu của tư nhân bỏ tiền ra xây dựng nên có tổ chức thu phí từ 2.000 đồng đến 5.000 đồng/lượt.

Mỗi năm đến mùa mưa, cây cầu thường bị lũ cuốn trôi, phải mất hàng tháng trời xây dựng lại. Trong khoảng thời gian đó, người dân phải đi vòng rất xa.

"Nếu cây cầu không hư, dân chúng tôi muốn đi Sông Cầu hoặc TP Quy Nhơn (Bình Định) thì chỉ mất khoảng 5 phút với chi phí khoảng 4.000 đồng để qua cầu. Còn hiện tại phải đi đường vòng gần 10km, rất mất thời gian, còn phí qua cầu cũng bằng tiền xăng dầu thôi" - anh Lê Văn Định chia sẻ.

Để kịp thời xây dựng lại cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại trong dịp Tết cận kề, nhóm 15 công nhân phải làm việc liên tục trong thời tiết mưa phùn, giá lạnh.

Theo nhóm lao động tại đây, nếu thời tiết thuận lợi, đến cuối năm nay, cây cầu sẽ cơ bản được hoàn thành và đưa vào phục vụ nhân dân.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND xã An Ninh Tây, cho biết, cây cầu hiện phục vụ việc đi lại cho hàng ngàn hộ dân trong xã và các vùng lân cận.

"Nhà nước đã đầu tư con đường chính phục vụ nhân dân ở phía Nam của xã, còn làm cầu thì kinh phí quá lớn không thể thực hiện. Từ đó, cây cầu gỗ của ông Thọ mới được xây dựng. Dù là có thu phí, nhưng được người dân trong xã rất đồng tình, vì nó thuận tiện trong việc đi lại, còn nếu không muốn mất phí có thể đi về con đường chính của xã" - ông Minh cho hay.

Chủ tịch xã An Ninh Tây cũng cho biết, mặc dù cây cầu là của tư nhân, nhưng mức giá thu phí đều phải thông qua UBND xã.

Ngoài phục vụ việc đi lại của người dân, cây cầu cũng là nơi được săn tìm của giới trẻ để tham quan, chụp ảnh check in.

(theo Dân trí)