Geetesh Sharma ngưỡng mộ Bác Hồ và qua Người, ông đã đến với nhân dân Việt Nam. |
Sinh năm 1932, ở một làng quê hẻo lánh thuộc bang Bihar, được cho là một trong những bang có nhiều người nghèo khổ nhất ở Ấn Độ, Geetesh Sharma được nuôi dạy để trở thành một đạo sỹ Bà-la-môn, đẳng cấp cao nhất trong bậc thang xã hội của Ấn Độ. Với tính cách quyết liệt và tư duy sắc sảo, nhạy cảm và ý thức mạnh mẽ về công bằng và lẽ phải thể hiện ngay từ khi còn nhỏ, năm 16 tuổi ông đã dứt áo ra đi, đến thành phố cảng Cancuta (nay là Kolkata) tự sống và lập nghiệp theo chí hướng riêng của mình.
Ở Cancuta, ông đã tham gia tích cực vào các hoạt động cách mạng của Đảng cộng sản, đã từng bị đi tù vì tham gia vào Phong trào nổi dậy của quần chúng năm 1968. Và, như một lẽ đương nhiên, Geetesh Sharma ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và qua Người, ông đã đến với nhân dân Việt Nam, luôn luôn dõi theo, ủng hộ với một niềm tự hào, tất cả những thắng lợi, thành tích mà Việt Nam đạt được trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, cũng như sự nghiệp đổi mới ngày nay. Chung thủy với tình yêu của mình, đất nước Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của Geetesh Sharma một cách tự nhiên như không thể khác. Với tư cách là một nhà báo, một nhà hoạt động chính trị - xã hội, một nhà văn được nhiều người biết đến, ông đã dùng ảnh hưởng của mình bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị Ấn - Việt qua nhiều biến thiên thời cuộc. Năm 2004 ông đã được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương vì hòa bình và hữu nghị vì những công lao và đóng góp của mình.
Trở lại Việt Nam lần này (20/5 - 1/6), Geetesh Sharma với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bang Tây Ben-gan đã trao tặng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam một số hiện vật, tư liệu quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh... Đặc biệt là ngày 25/5 tới, Đại sứ quán Ấn Độ sẽ phối hợp với Hội hữu nghị Việt - Ấn sẽ tổ chức buổi ra mắt cuốn sách tâm huyết của Geetesh Sharma "Traces of Indian Culture in Vietnam" và bản dịch tiếng Việt "Những dấu vết văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam" do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản. Cuốn sách này đã được Geetesh Sharma thai nghén và đầu tư thời gian công sức trong suốt mấy năm trời qua lại Cancuta - Đà Nẵng (Khu vực Tháp Chàm). Ông muốn qua công trình nghiên cứu này mang một thông điệp mạnh mẽ tới giới trí thức, chính trị, thương gia và người dân Ấn Độ: vì sao một mối quan hệ có những gắn kết lâu đời và truyền thống hòa hảo đến thế lại chưa được phát triển mạnh mẽ và toàn diện như đáng ra phải thế?
PHAN ANH