Lạm phát gia tăng, giá thực phẩm tăng cao khiến cuộc sống của người dân Ghana chật vật. |
Ông Benjamin Yeboah, một thương nhân có trụ sở công ty tại Accra, đang phải vật lộn để duy trì hoạt động kinh doanh do chi phí nhập khẩu và thông quan hàng hóa cao từ các cảng của Ghana.
Yeboah là một nhà kinh doanh hàng hóa nhỏ lẻ và đang trong tình trạng khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế mà quốc gia Tây Phi này phải đối mặt.
Ông cho biết, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng lên do sự mất giá của đồng tiền Ghana (Cedi). Ngoài thuế nhập khẩu cao, ông còn phải đối mặt với đợt tăng giá nhiên liệu gần đây.
“Giá nhiên liệu tăng ảnh hưởng đến rất nhiều thứ và điều đó cũng tác động đến chúng tôi”, ông giải thích nguyên nhân giá sản phẩm ngày càng tăng.
Lạm phát cao nhất trong suốt hai thập kỷ
Tỷ lệ lạm phát của Ghana khoảng 30% vào tháng Sáu, dẫn đến chi phí sinh hoạt cao nhất trong hai mươi năm qua.
Giá thực phẩm và các hàng hóa khác tăng mỗi ngày khiến điều kiện sống của người tiêu dùng khó khăn hơn.
Các công đoàn giáo viên đã đình công, đưa ra yêu cầu thanh toán 20% phí trợ cấp sinh hoạt. Họ cho biết sẽ ngừng đình công khi chính phủ đồng ý trả cho họ 15% phí trợ cấp.
Ông Yeboah nhận định, những thách thức kinh tế hiện tại của Ghana ngày sẽ càng trầm trọng.
Ông không phải là người duy nhất rơi vào tình cảnh khó khăn khi giá cả tăng vọt.
Prince Essien, một người làm việc trong lĩnh vực tư nhân ở Accra cho biết, “chi phí sinh hoạt ở Ghana hiện nay rất đắt đỏ”.
Từng chi 3 USD mỗi ngày mua thực phẩm, giờ ông Essien phải chi gấp đôi số tiền đó do lạm phát tăng cao. Đó là chưa kể đến các chi phí khác. Ông giải thích: “Tiền thanh toán hóa đơn, thuê nhà và các dịch vụ khác đều tăng lên...”.
Mức lương của Essien không tăng trong hơn hai năm. Ông nói rằng mình “cần ít nhất 125 USD để trang trải các chi phí hàng tháng”, số tiền mà ông phải vất vả để đạt được.
Khủng hoảng do đâu?
Chính phủ Ghana thừa nhận nền kinh tế của đất nước đang trong tình trạng khó khăn nghiêm trọng và cho rằng đại dịch Covid-19 cũng như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Tuy nhiên, ngay cả trước khi đại dịch hay xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, đã có những lo ngại về nợ công của đất nước - hiện ở mức 45,5 tỷ USD với tỷ lệ nợ trên GDP tương ứng là hơn 77%, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Ghana năm 2021.
Một số nhà phân tích nói rằng tỷ lệ nợ trên GDP đã vượt qua mốc 81% và với việc chính phủ không thể tìm ra giải pháp cứu vãn và việc phải tìm đến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dường như sắp xảy ra.
Chính phủ Ghana thông báo rằng họ đang làm việc với IMF để tìm kiếm thêm nguồn tài chính cho nền kinh tế.
Đó là một bước ngoặt bất ngờ của chính phủ nước này khi các cố vấn chính sách chủ chốt và các bộ trưởng trong nội các từng tuyên bố rằng Ghana sẽ không nhờ đến IMF.
Một “thỏa thuận tốt” khác
Nếu Ghana đạt được một chương trình cứu trợ từ IMF, đây sẽ là chương trình cứu trợ thứ hai trong tám năm, cũng là lần thứ 18 IMF hỗ trợ giải cứu Ghana.
Thỏa thuận ba năm trước đó của nước này được gia hạn thêm một năm, kết thúc vào năm 2019 và được hỗ trợ 918 triệu USD.
Hiện nay Ghana hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD.
Tổng thống Ghana, ông Nana Akufo-Addo nói với những người ủng hộ vào cuối tuần qua rằng chính phủ của ông sẽ “đàm phán một thỏa thuận tốt với IMF. Một thỏa thuận cho phép chúng tôi hồi sinh nền kinh tế và tiếp tục nhiệm vụ xây dựng một nền kinh tế thậm chí còn mạnh hơn trước đây”.
Chi tiêu quá độ
Nhà kinh tế học người Ghana, ông Tsonam Cleanse Akpeloo, cho rằng quyết định tham gia IMF “được mong đợi vì nước này phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu”.
Theo ông Akpeloo thì trên thực tế, khoảng 70% những thứ được sử dụng trong nước là nhập khẩu nên bất kỳ sự biến động nào trong trật tự kinh tế toàn cầu quốc tế sẽ ảnh hưởng đến Ghana.
“Chi tiêu cao dẫn đến doanh thu sụt giảm, không có lựa chọn nào cho chính phủ hơn là nhờ đến IMF để được hỗ trợ về tài chính”, ông Akpeloo cho biết.
Nỗ lực để nhận cứu trợ khi xếp hạng thấp
Ghana đã chi trung bình 19,6 tỷ USD chỉ để thanh toán lãi suất cho các khoản vay trước đó.
Các cơ quan xếp hạng đã hạ cấp nền kinh tế Ghana, khiến chính phủ khó khăn trong việc vay vốn.
Doanh thu dự kiến từ các loại thuế giảm mạnh khiến chính phủ Ghana không có cách nào khác để củng cố tài chính của đất nước ngoài việc đàm phán với IMF về một gói cứu trợ. Ông Akpeloo cho biết, Ghana không thiếu nguồn lực để duy trì một nền kinh tế sôi động, nhưng điều nước này thiếu là “Kỷ luật. Kỷ luật chi tiêu”.
Chính quyền của Tổng thống Akufo-Addo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 với lời hứa về các chương trình cải cách đầy tham vọng, như miễn phí cho cấp học trung học phổ thông và xây dựng nhà máy ở mọi miền trên đất nước. Các chương trình xã hội như vậy đã được xác định trong danh mục đầu tư chi tiêu của chính phủ.
Doanh thu dự kiến từ các loại thuế giảm mạnh khiến chính phủ Ghana không có cách nào khác để củng cố tài chính của đất nước ngoài việc đàm phán với IMF về một gói cứu trợ. (Nguồn: DW) |
Theo ông Akpeloo thì hầu hết các quyết định (các chương trình của chính phủ) mang tính chính trị hơn là kinh tế.
Đối với ông, điều quan trọng là chính phủ phải kỷ luật hơn trong chi tiêu vì hầu hết các dự án của họ “rất tham vọng nếu không có nguồn doanh thu tương ứng nên luôn có thâm hụt tài chính và gây áp lực rất lớn lên chi tiêu công cộng”.
Ẩn ý phía sau sự cứu trợ của IMF
Có những lo ngại rằng khi IMF thông qua gói cứu trợ sẽ báo hiệu sự kết thúc của một số chương trình hỗ trợ xã hội tham vọng - điều mà cuối cùng có thể làm tổn thương những công dân bình thường.
Để nhận được gói cứu trợ, chính phủ Ghana phải tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ trong ngắn hạn để khôi phục sự ổn định tài khóa dài hạn và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế.
Các công đoàn công nhân như Hội Công đoàn Thương mại Ghana (TUC) đã lên án quyết định nhờ cậy IMF vì lo ngại việc thuê lao động trong khu vực công sẽ bị đóng băng. Trong một tuyên bố, TUC cho rằng việc hướng đến IMF tạo ra những bất lợi cho người lao động Ghana, khẳng định giải pháp cho nền kinh tế của đất nước không nằm ở các tổ chức như IMF.
Theo Sally Borkete-La, sinh viên tại một trường đại học công lập, việc Ghana tiếp cận IMF đang trở thành thói quen: “Ghana đã vay rất nhiều. Chỉ riêng chính quyền này đã có rất nhiều khoản vay. Các khoản vay ấy rất cao, họ càng vay nhiều sẽ càng gây ra nhiều thiệt hại”, cô nói.
Đảm bảo cho một thỏa thuận
Đối với ông Yeboah, lãnh đạo của một hiệp hội thương nhân ở Ghana, quyết định của chính phủ khi tìm kiếm một gói cứu trợ của IMF là chính đáng.
Ông cho rằng: “Họ có dữ liệu và nếu nhìn vào dữ liệu, họ cảm thấy rằng vào thời điểm quan trọng này, tốt nhất là nên hướng đến IMF”. Theo ông, các nhà thương thảo muốn tình hình kinh tế được cải thiện, nhưng chưa chuẩn bị cho các biện pháp nghiêm khắc như là đánh nhiều thuế hơn.
“Tất cả những gì chúng tôi cầu nguyện là không bị tăng thuế nữa, bởi vì thuế đã cao sẵn rồi và do đó, nếu họ thực sự có thể cắt giảm một số khoản chi tiêu nhất định, kiểm tra những mục được miễn thuế và các lỗ hổng khác, tôi nghĩ chúng tôi sẽ đi đúng hướng”, Yeboah giải thích.
Trong khi đó, ông Akpeloo cho rằng theo thời gian, thỏa thuận giữa chính phủ Ghana và IMF sẽ đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng.
Nhưng ông e ngại rằng “thách thức duy nhất sẽ là tương lai của đất nước, bởi vì có vẻ như nó mang tính chu kỳ, sau mỗi bốn năm IMF quay trở lại và điều đó thực sự không tốt cho một đất nước đang khao khát được phát triển”.
Theo Akpeloo, Ghana nên chi tiêu cho những thứ bền vững và giảm thiểu những chi tiêu quá mức cho các hoạt động chính trị.
Tuy nhiên, đất nước này sắp hết thời gian để cứu vãn nền kinh tế của mình khi nhóm nghiên cứu của IMF đã đến khảo sát và thông báo trong một tuyên bố rằng “các lỗ hổng tài khóa và nợ của Ghana đang trở nên xấu đi một cách nhanh chóng trong bối cảnh môi trường bên ngoài ngày càng khó khăn”.
Chưa thể đoán định được khi nào chính phủ Ghana và IMF đạt được thỏa thuận nhưng điều chắc chắc nó có thể mất nhiều tháng và có khả năng sẽ đạt được vào năm 2023.