📞

Ghi danh Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là điểm đến du lịch tâm linh tiêu biểu châu Á-Thái Bình Dương

Chu Văn 15:52 | 02/09/2023
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam vừa được Diễn đàn Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam-Ấn Độ công nhận là điểm đến du lịch tâm linh tiêu biểu châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Nguyễn Phúc Hoan, Trưởng ban Quản trị Lăng miếu núi Sam (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết, giải thưởng do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam và Hội đồng Thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ (GTTC India) trao tặng trong khuôn khổ chuỗi sự kiện của Diễn đàn giao lưu Kinh tế và văn hóa Việt Nam-Ấn Độ.

Trưởng ban Quản trị Lăng miếu núi Sam Nguyễn Phúc Hoan lên nhận giấy chứng nhận. (Nguồn: Báo An Giang)

Hoạt động trên do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam phối hợp Hội đồng Thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ (GTTC India) tổ chức tại thủ đô New Delhi, nhằm chào mừng 30 năm thành lập UNESCO và hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ (1972-2023). Đây là cơ hội gặp gỡ, thúc đẩy giao lưu văn hóa, xúc tiến hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp hai nước trong nhiều lĩnh vực.

Tại diễn đàn, hơn 80 cá nhân, đơn vị đã xuất sắc vượt qua những tiêu chí khắt khe của Ban tổ chức để nhận giải thưởng cao quý này. Trong số đó, Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam được công nhận là "Điểm đến du lịch tâm linh tiêu biểu châu Á -Thái Bình Dương", với những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam, góp phần lan toả bản sắc văn hóa Việt Nam ngày càng đến gần hơn với du khách, bạn bè quốc tế.

Theo ông Nguyễn Phúc Hoan, Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là một di tích lịch sử, công trình kiến trúc đẹp, tôn nghiêm, tọa lạc dưới chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang), hàng năm thu hút hàng triệu lượt người đến cúng bái, tham quan. Đây là một trong những danh thắng nổi tiếng và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước, là điểm nhấn của lễ hội Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam hàng năm.

Sự ghi nhận của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam và GTTC India là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đưa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Năm 2022, Chính phủ đã gửi hồ sơ đệ trình UNESCO xem xét đưa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, tỉnh An Giang vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phó Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Hồ sơ theo quy định.

Đông đúc người dân đến dâng hương tại miếu Bà Chúa xứ Núi Sam vào những ngày Tết Nguyên đán. (Nguồn: Báo NLĐ)

Truyền thuyết kể lại rằng, những năm đầu thế kỷ XIX, quân Xiêm thường sang nước ta quấy nhiễu, cướp bóc. Khi tới đỉnh núi Sam gặp tượng bà, chúng dùng nhiều cách để khiêng xuống núi mang về xứ nhưng dù có cố gắng thế nào cũng không thực hiện được việc di chuyển. Một hôm, dân làng gặp tượng bà giữa rừng, mọi người hợp nhau khiêng về lập miếu thờ cúng. Nhưng lạ thay, họ không làm sao nhấc nổi bức tượng dù rất đông người khiêng.

Lúc này, có một phụ nữ lên đồng, tự xưng là Bà Chúa Xứ và bảo phải có 9 người con gái đồng trinh, tắm rửa sạch sẽ lên khiêng, tượng bà ắt sẽ xuống. Nghe vậy, dân làng làm theo. Kỳ diệu thay, các cô gái đã khiêng tượng bà đi một cách dễ dàng. Khi xuống đến chân núi, tượng bà nặng trịch, không xê dịch được nữa, mọi người cho rằng Bà Chúa Xứ đã chọn nơi đây an ngự, nên lập miếu thờ cúng. Tượng Bà Chúa Xứ ở trên đỉnh núi Sam hiện nay, nơi đó vẫn còn dấu tích đá sa thạch hình vuông, cạnh 1,6m, bề dày gần 0,3m.

Nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret, trong thời gian tiến hành khai quật khu di chỉ Óc Eo - Ba Thê (từ năm 1942 đến 1944) có đến núi Sam nghiên cứu tượng Bà Chúa Xứ và xác định đây là loại tượng thần, được tạo theo dáng người ngồi nghỉ ngơi, vương giả, vật liệu bằng sa thạch, giá trị nghệ thuật cao. Qua giám định bước đầu cho thấy, tượng Bà Chúa Xứ là một tác phẩm nghệ thuật thời Trung cổ còn được giữ đến ngày nay.

Tượng Bà Chúa Xứ là một tác phẩm nghệ thuật thời Trung cổ còn được giữ đến ngày nay. (Nguồn: NSMT)

Hằng năm, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - lễ hội truyền thống được giữ gìn, thực hành qua nhiều thế hệ tại thành phố Châu Đốc diễn ra từ ngày 23-27/4 âm lịch hằng năm.

Lễ hội được thực hiện theo nghi thức truyền thống, mang đậm văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ, thể hiện bản sắc, sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm, với cả phần lễ và phần hội đặc sắc như: lễ khai hội, lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm Bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế, lễ Hồi sắc….

(theo Báo An Giang)