📞

Giá cà phê hôm nay 15/11/2024: Giá cà phê đồng loạt tăng vọt liên tiếp, robusta thẳng mốc 5.000 USD, đã có phán quyết về EUDR, điều gì đang xảy ra?

Gia An 10:28 | 15/11/2024
Kết thúc hai ngày làm việc (13-14/11), Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu ra phán quyết cuối cùng, ủng hộ việc trì hoãn và sửa đổi áp dụng Quy định chống phá rừng (EUDR) để các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị cho việc tuân thủ.

Giá cà phê hôm nay 15/11/2024

Giá cà phê thế giới tăng mạnh nhieuf ngày liên tiếp trong tuần này. Giá cà phê tăng tới 3 chữ số trong phiên cuối tuần này, robusta đang thẳng tiến mốc 5.000 USD/tấn, arabica đồng loạt vượt mốc 6.000 USD/tấn.

Giá cà phê trong nước tiếp tục tăng rất mạnh 2.700 - 2.800 đồng/kg, giá giao dịch khá cao ở 113.500 - 114.000 đồng/kg. Tại Việt Nam, thời tiết xấu gần đây đã làm chậm hoạt động thu hoạch, mặc dù đây đang là giai đoạn cao điểm của mùa vụ mới.

Trong khi tại Brazil, các nhà sản xuất đang giữ lại cà phê với hy vọng giá sẽ tăng cao hơn. Những kỳ vọng lạc quan này được thúc đẩy bởi triển vọng không chắc chắn về sự phát triển của vụ cà phê 2024-2025, vốn đã bị ảnh hưởng đáng kể do đợt hạn hán kéo dài nhiều tháng. Ngoài ra, dự báo thời tiết khô nóng tiếp tục diễn ra ở bang Minas Gerais, khu vực sản xuất cà phê arabica lớn nhất của Brazil, cũng đang giúp đẩy giá arabica lên cao.

Trong khi đó, vấn đề trọng tâm hiện tại của thị trường cà phê vẫn là Quy định chống phá rừng của EU - EUDR. Đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc hoãn lại 12 việc áp dụng luật chống phá rừng đã được trình lên EP trong kỳ họp ngày 13-14/11. Theo đó, EP đã đồng ý hoãn thực thi 12 tháng với 371 phiếu thuận, 240 phiếu chống và 30 phiếu trắng. EP cũng đã bỏ phiếu ủng hộ một số sửa đổi khác.

Các sửa đổi đã được phê duyệt - do đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu của EP đề xuất - bao gồm việc tạo ra một danh mục mới các quốc gia "không có rủi ro" về nạn phá rừng, ngoài ba danh mục hiện có là rủi ro "thấp", "trung bình" và "cao". Theo đó, các quốc gia được phân loại là "không có rủi ro", được định nghĩa là các quốc gia có "diện tích rừng phát triển ổn định hoặc tăng lên", do đó sẽ phải đối mặt với các yêu cầu "ít nghiêm ngặt hơn đáng kể" vì "rủi ro phá rừng không đáng kể hoặc không tồn tại", theo trong một tuyên bố của EP.

Tuy nhiên, dù đã có sự đồng thuận rằng gia hạn thời gian thực thi là thay đổi đáng kể duy nhất, đảng EPP – nhóm lớn nhất trong EP – đã đề xuất hàng loạt sửa đổi trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng, điều này có thể làm suy yếu đáng kể luật này. EPP đã đệ trình 15 đề xuất sửa đổi, bao gồm kéo dài thời gian trì hoãn lên hai năm, đưa ra một danh mục mới gồm các quốc gia "không rủi ro" và miễn cho các thương nhân khỏi phần lớn nghĩa vụ báo cáo.

Giá cà phê trong nước ngày 15/11 tăng 2.700 - 2.800 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Premiumwishes)

Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 14/11, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 tăng 145 USD, giao dịch tại 4.777 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 tăng 143 USD giao dịch tại 4.695 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 12/2024 tăng 7,3 Cent, giao dịch tại 278,95 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2025 tăng 8,2 Cent, giao dịch tại 279,40 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước ngày 15/11 tăng 2.700 - 2.800 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg

Giá trung bình

Trung bình

Tỷ giá USD/VND

25.160

0

ĐẮK LẮK

113.800

+ 2.800

LÂM ĐỒNG

113.500

+ 2.700

GIA LAI

113.700

+ 2.700

ĐẮK NÔNG

114.000

+ 2.800

(Nguồn: giacaphe.com)

Ngay sau phán quyết của EP, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã lên tiếng kêu gọi Chủ tịch EC von der Leyen rút lại đề xuất trì hoãn việc thực hiện EUDR. Họ khẳng định, đây là hành động có trách nhiệm duy nhất cho phép EUDR hoàn thành mục đích của mình và bảo vệ rừng trên thế giới khỏi nạn khai thác.

Trong thông cáo của WWP đưa ra nhiều chỉ trích và cảnh báo rằng, bằng cách đưa ra danh mục các quốc gia "không có rủi ro", EP đã bỏ phiếu cho phép phá rừng nhiều hơn nữa cả trong và ngoài châu Âu.

"Động thái này làm suy yếu nỗ lực của các công ty có tư duy tiến bộ đã đầu tư vào chuỗi cung ứng không phá rừng để tuân thủ các yêu cầu của EUDR kịp thời để áp dụng vào ngày 30/12/2024.

Hơn 50 công ty đã cảnh báo rằng, sự suy yếu như vậy sẽ gây nguy hiểm cho các khoản đầu tư của họ, làm gián đoạn các nỗ lực tuân thủ, làm suy yếu sự chắc chắn về mặt quy định rất cần thiết, không tạo ra được sân chơi bình đẳng và cuối cùng gây nguy hiểm cho khả năng cạnh tranh của họ", thông cáo của WWF viết.

Trên thực tế, nhiều bình luận cho rằng, nếu EUDR vẫn áp dụng theo quy định đưa ra từ ban đầu từ ngày 30/12/2024, thì nhiều khả năng nguồn cung hàng cho thị trường EU sẽ thiếu hụt đáng kể, nhất là từ các nước sản xuất lớn như Brazil và Indonesia.

Nhưng trong khi không ít người muốn trì hoãn quy định thêm 12 tháng thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết, một số nhà nhập khẩu châu Âu đã đầu tư nguồn lực và chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện EUDR, họ cũng khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tích cực thực hiện quy định này.

Hiện nay, một số hợp đồng thương mại cà phê giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác châu Âu đã có kèm theo các chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ không liên quan tới tình trạng phá rừng.