Giá cà phê hôm nay 18/11/2024
Giá cà phê thế giới tăng trở lại trong tuần qua. Giá cà phê robusta có tuần tăng thứ 2 sau 5 tuần giảm mạnh liên tiếp. Giá cà phê arabica cao nhất trong 13 năm, robusta cao nhất trong 1 tháng.
Tổng kết tuần, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1/2025 tăng 401 USD/tấn. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12 tăng 28,45 Cent/lb.
Giá cà phê trong nước đã tăng mạnh trở lại, thêm 6.000 đồng/kg, hiện đang dao động ở mức 112.800 – 113.400 đồng/kg, tăng tổng cộng 6.100 – 6.300 đồng/kg trong tuần qua.
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (16/11), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London điều chỉnh nhẹ trái chiều, kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 giảm 4 USD, giao dịch tại 4.773 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 tăng 4 USD giao dịch tại 4.669 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 12/2024 tăng 2,85 Cent, giao dịch tại 281,80 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2025 tăng 3,9 Cent, giao dịch tại 283,30 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.
Tuần trước, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1/2025 tăng 97 USD/tấn. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12 tăng 10,4 Cent/lb. Giá cà phê nội địa thêm trung bình 1.000 đồng/kg.
Sau 4 ngày tăng liên tiếp với hơn 400 USD/tấn, robusta chững lại 1 nhịp để thị trường điều chỉnh.
Như vậy, giá cà phêrabica dao động quanh mức cao nhất kể từ giữa năm 2011, cao nhất trong 13 năm trong bối cảnh lo ngại về tương lai nguồn cung. Các nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng vụ mùa năm tới tại quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất – Brazil và ngày càng lo ngại về vụ mùa của Việt Nam – quốc gia sản xuất robusta hàng đầu. Những cơn bão gần đây đã làm chậm tiến độ thu hoạch cà phê của Việt Nam và mưa vẫn là mối lo ngại khi các thương nhân dự kiến vụ mùa này có thể giảm tới 10%.
Trong khi, trọng tâm thị trường vẫn là vấn đề thời tiết gây bất lợi cho vụ mùa năm sau tại quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới là Brazil. Các nhà kinh doanh lưu ý rằng, mặc dù có mưa gần đây, độ ẩm của đất vẫn ở mức thấp, dẫn đến sự phát triển hạn chế của quả và sự phát triển quá mức của lá.
Các nhà giao dịch cũng đã đánh giá hậu quả của việc tạm hoãn thực thi Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu trong 1 năm. Điều này có thể hạn chế nguồn cung cà phê từ các quốc gia xảy ra tình trạng phá rừng mà là những nguồn cung chính của thị trường.
Giá cà phê trong nước cuối tuần qua (ngày 16/11) giảm 100 - 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Coffeeam) |
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước cuối tuần qua (ngày 16/11) giảm 100 - 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg
(Nguồn: giacaphe.com) |
Cà phê robusta của Việt Nam đang rất được ưa chuộng nhờ hương vị đặc trưng, được đánh giá cao hơn so với các sản phẩm từ các nước như Brazil, Ấn Độ, Indonesia... Hiện tại, Việt Nam gần như "một mình một chợ" trên thị trường cà phê thế giới vì các nước khác chưa bước vào mùa thu hoạch. Điều này giúp Việt Nam có cơ hội giữ mức giá tốt.
Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết giống cà phê robusta chiếm tới 95% diện tích cà phê ở Việt Nam và được khách hàng quốc tế đánh giá cao. Mùa thu hoạch cà phê của Việt Nam diễn ra từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12, thời điểm mà nhiều nước không thu hoạch hoặc chỉ thu rất ít cà phê.
Về giá cà phê hiện nay, theo chuyên gia của Vicofa - một yếu tố đặc biệt mà ít người nói đến chính là vai trò điều tiết giá của nông dân Việt Nam. Cụ thể, ở thời điểm hiện tại, vụ cà phê đang thu hoạch rộ nhưng nông dân lại chưa bán ra nhiều, nguồn cung không dồi dào nên giữ được giá ở mức cao, bởi không gặp áp lực về tài chính và cà phê có thể trữ được 1-2 năm.
Giá cà phê nhân bình quân nông dân hiện bán ra ở mức khoảng 110.000 đồng/kg là mức "mơ ước" trong nhiều năm qua. Nhưng nếu xét với vai trò là nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu, các nhà nhập khẩu thế giới có thể kêu ca về việc giá cà phê robuta Việt Nam hiện quá đắt đỏ.
Xét trong thời gian ngắn họ vẫn cần cà phê Việt Nam vì người tiêu dùng đã quen với vị cà phê Việt, nhưng nếu cà phê Việt Nam ở mức quá cao trong thời gian dài nhà mua sẽ phải điều chỉnh công thức. Khi người tiêu dùng quen với vị cà phê mới thì xuất khẩu cà phê sẽ gặp khó. Do vậy, một mức giá vừa phải xung quanh 100.000 đồng/kg là hài hòa lợi ích các bên để cà phê Việt Nam ổn định thị trường và phát triển bền vững.