📞

Giá cà phê hôm nay 25/2: Giá cà phê 'đỏ rực' hai sàn; tình hình Nga-Ukraine 'nóng rẫy' nhà đầu tư vội vàng dịch chuyển vốn

Gia An 05:12 | 25/02/2022
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2021-2022 giảm 8,5 triệu bao (tương ứng giảm 4,8%) so với niên vụ 2020-2021 xuống còn 167,5 triệu bao (loại 60 kg/bao). Nguyên nhân chủ yếu là do cây cà phê arabica tại Brazil bước vào chu kỳ năng suất thấp 2 năm một lần, lại thêm yếu tố thời tiết bất lợi.
Giá cà phê trong nước hôm nay 25/2, giảm tiếp 400 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Getty Images)

Giá cà phê hôm nay 25/2

Giá cà phê trên cả hai sàn đồng loạt quay đầu giảm mạnh. Trong đó, giá cà phê robusta đảo chiều sụt giảm ngay trước thềm ngày giao hàng đầu tiên (FND) sau khi đã hoàn tất hợp đồng quyền chọn, là điều khó tránh khỏi khi áp lực bán hàng vụ mới từ các nước sản xuất lớn vẫn còn nguyên.

Trước đó, thông tin xung đột Nga-Ukraina đã được đẩy lên mức cao mới khiến hầu hết các thị trường tỏ ra mất phương hướng khi nhà đầu tư vội vàng dịch chuyển dòng vốn. Ba sàn hàng hóa có tính thanh khoản cao là vàng, dầu thô và cà phê đồng loạt tăng nhẹ là điều ít thấy, trong khi chứng khoán Mỹ và các sàn tiền kỹ thuật số sụt giảm liên tiếp, các tài sàn trú ẩn tiếp tục là nơi được các nhà đầu tư lựa chọn để phòng tránh rủi ro.

Ghi nhận vào phiên đóng cửa thị trường hôm qua ngày 24/2, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm mạnh 42 USD (1,88%), giao dịch tại 2.192 USD/tấn. Giá robusta kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 37 USD (1,67%), giao dịch tại 2.176 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm mạnh 6,5 Cent (2,63%), giao dịch tại 241,05 Cent/lb. Trong khi, giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 6,45 Cent (2,62%), giao dịch tại 239,9 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước hôm nay 25/2 giảm tiếp 400 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.

Giá trung bình

Thay đổi

FOB (TP. HCM)

2.234

Trừ lùi: +55

ĐẮK LẮK

41.000

- 400

LÂM ĐỒNG

40.400

- 400

GIA LAI

40.900

- 400

ĐẮK NÔNG

40.900

- 400

Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn

FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu".

Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Đồng Real tăng liên tục, lên đứng ở mức cao hơn 7 tháng so với USD, cũng khiến Brazil giảm bán tồn kho được “chứng nhận” tại hai sàn tiếp tục sụt giảm đã hỗ trợ giá cà phê kỳ hạn.

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 dự kiến giảm 3,8 triệu bao so với niên vụ trước, xuống còn 117,2 triệu bao do khối lượng xuất khẩu của Brazil giảm mạnh, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam dự báo tăng.

Tiêu thụ cà phê toàn cầu dự báo tăng 1,5 triệu bao lên 165 triệu bao, với mức tăng chủ yếu tại Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil.

Trong khi đó, tồn kho cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 dự kiến sẽ giảm 6,3 triệu bao xuống 30 triệu bao. Đây là mức thấp nhất trong 5 niên vụ vừa qua.

Với việc nguồn cung cà phê robusta được bổ sung khi Việt Nam vào vụ thu hoạch, về ngắn hạn, giá cà phê sẽ giảm. Bên cạnh đó, giá cà phê trong nước sẽ còn chịu áp lực từ rủi ro giá cà phê thế giới giảm khi nguồn cung dồi dào từ phía Brazil. Theo công ty tư vấn Safras & Mercado, người trồng cà phê Brazil đã bán 82% sản lượng của niên vụ 2021-2022 (từ tháng 7/2021 đến ngày 10/1/2022).

Ngoài ra, cà phê robusta từ Việt Nam đã được vận chuyển đến các kho chứa của sàn ICE. Tuy nhiên, xét về dài hạn, ngành cà phê Việt Nam vẫn đang được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do với các nước, đặc biệt là tại châu Âu, nơi chiếm tới hơn 42% kim ngạch xuất khẩu cà phê.

Bên cạnh đó, ở kịch bản nguồn cung cà phê Việt Nam giảm do diện tích trồng giảm sút khi chịu áp lực giá thấp trong 4 năm liên tiếp, giá cà phê robusta cả ở trong nước và thế giới dự báo sẽ được đẩy lên cao hơn.

Hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới. Do đó, nguồn cung ở Việt Nam sẽ tác động lớn đến giá cà phê robusta trên toàn cầu.

Ngoài ra, các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi cũng giúp thúc đẩy tiêu thụ cà phê trở lại. Xu hướng tiêu thụ cà phê hòa tan đang ngày một gia tăng giúp tăng lợi thế cho cà phê robusta của Việt Nam. Bởi robustalà là nguyên liệu được sử dụng trong chế biến cà phê hòa tan.