Giá cà phê trong nước hôm nay 25/8 tăng vọt 800 - 900 đ/kg tại các địa phương trọng điểm. |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 25/8
Tiếp nối đà hồi phục, giá cà phê trên cả hai sàn London và New York bật tăng mạnh mẽ. Giá cà phê arabica trên sàn New York tăng mạnh với khối lượng thấp là do sự hiệu chỉnh kỹ thuật ngay sau ngày hết hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 9 nên cũng không quá bất ngờ. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của việc chu chuyển dòng vốn phái sinh từ vàng và đặc biệt là dầu thô sau khi giảm 7 phiên liên tiếp.
Trong khi đó, giá cà phê robusta tiếp nối đà tăng do nhà đầu tư tiếp tục thực hiện hợp đồng quyền chọn. Phiên hôm nay thị trường có biến động tăng bất ngờ do nhà đầu tư đã gần như hoàn tất trạng thái, sẵn sàng để bước vào ngày thông báo giao hàng đầu tiên (FND).
Ghi nhận tại phiên đóng cửa, giá cà phê trên cả hai sàn tràn ngập màu xanh. Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 9 tăng 71 USD (3,75%), giao dịch tại 1.964 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 cũng tăng 59 USD (3,09%), lên 1.971 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng mạnh so với những ngày trước.
Cùng thời điểm, sau nhiều phiên chỉ nhích nhẹ, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York hôm nay bật tăng rất mạnh. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 tăng 3,9 Cent (2,14 %), giao dịch tại 185,75 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng tăng 3,8 Cent (2,06%), lên 188,4 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 25/8 tăng vọt 800 - 900 đ/kg tại các địa phương trọng điểm.
|
Đồng Real tăng nhẹ, tỷ giá ở mức 1 USD = 5,3810 Real, trong sự thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn tại chính trường Brazil và chờ kết quả phiên họp Fed vào nửa sau của tuần này. Trong khi Chỉ số USD giảm nhẹ từ nỗi lo lạm phát và sự hồi phục kinh tế toàn cầu chậm lại vì covid-19 biến chủng mới đã kéo theo giá cả nhiều loại hàng hóa sụt giảm.
Theo Bloomberg, giá cà phê arabica thế giới đã tăng 50% trong 12 tháng qua, chạm mức cao nhất trong 7 năm vào tháng 7 sau khi hạn hán và sương giá làm hư hại cây cà phê tại Brazil, nhà sản xuất hàng đầu thế giới, báo hiệu nguồn cung thế giới thắt chặt trong ít nhất hai năm tới.
Cơ quan khí tượng Brazil Somar Metorologia dự báo, tuần này tại các vùng cà phê ở miền Nam Brasil tiếp tục khô nóng và không có mưa. Dự báo này sẽ góp phần hỗ trợ giá cà phê arabica trong ngắn hạn.
Trong khi đó, mối quan tâm lớn nhất của thị trường cà phê robusta vào lúc này là Việt Nam và nhiều nước sản xuất cà phê khác gia tăng các biện pháp giãn cách xã hội, trong khi các vấn đề của vận tải biển toàn cầu vẫn còn nguyên.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong 15 ngày đầu tháng 8, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng đến xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Xuất khẩu cà phê giảm 17% về lượng và giảm 13% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 7, giảm 9,9% về lượng và tương đương về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 8/2020, đạt 47,14 nghìn tấn, trị giá 93 triệu USD.
Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1 triệu tấn, trị giá 1,9 tỷ USD, giảm 8,2% về lượng và giảm 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Cục Xuất nhập khẩu báo xuất khẩu cà phê thời gian tới của Việt Nam sẽ vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực do làn sóng Covid-19 lần thứ 4 trong nước.
Hiện nay, nhu cầu cà phê toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao bất chấp giá tăng mạnh. Tuy vậy, hạn chế lớn nhất đối với xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong thời gian tới vẫn là tình trạng thiếu container và chi phí vận chuyển tăng cao, đặc biệt là các tuyến đi Mỹ và châu Âu.
Cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam đang có giá khoảng 1.900 USD/tấn (FOB) và Brazil nhỉnh hơn với khoảng 2.000 USD/tấn (FOB). Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, cước vận chuyển đi Mỹ và EU hiện tại tăng liên tục dao động 2 tuần 1 lần và mức tăng không báo trước, có những lúc lại tăng đột biến.
Mỹ luôn luôn mua hàng với điều kiện CNF (giá đã bao gồm tiền hàng và cước phí), như vậy rủi ro về chi phí vận chuyển đều do doanh nghiệp Việt Nam gánh chịu.
Thời hạn ký hợp đồng giao hàng luôn luôn dao động từ 1 tháng trở lên. Doanh nghiệp có thể chủ động về nguồn hàng nhưng với khâu vận chuyển thì ngược lại. Có thời điểm, trong vòng 1 tháng doanh nghiệp cũng không thể tìm được xác nhận chỗ trên tàu để tiến hàng giao hàng và đến khi tìm được Booking thì giá vận chuyển đã tăng thêm hơn 1.500 USD/1 container 40 feet.
So với thời điểm 2020, cước vận chuyển đi EU thường ổn định ở mức 800-1.200 USD cho 1 container 40 feet, nhưng bây giờ tăng trên 11.000 USD, tức là tăng 12-13 lần so với mức giá đầu năm 2020. Cước vận chuyển đi Mỹ từ 2.000-3.000 USD cho 1 container 40 feet từ đầu năm 2020 đến nay tăng lên 13.500 USD, tức là tăng 5-6 lần.
Trong khi đó, giá cước vận tải từ Brazil tới Mỹ chỉ khoảng 4.000 USD/container tăng từ khoảng 1.500 USD - 2.000 USD/container trước đại dịch. Điều này khiến cho cà phê của Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm của Brazil hay các nước Nam Mỹ khác.