Giá cà phê trong nước hôm nay 9/11 giảm 300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Shutterstock) |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 9/11
Tính chung cả tuần qua, giá cà phê robusta có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm liên tiếp, các mức giảm đáng kể. Cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1 giảm tất cả 33 USD (1,49%) xuống 2.1814 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 giảm 29 USD (1,34%) còn 2.131 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp, tuy nhiên cấu trúc đảo vẫn duy trì trên sàn London nhằm thu hút giới thương nhân đưa hàng về sàn đăng ký bán đấu giá, cũng góp phần hỗ trợ giá robusta trong ngắn hạn.
Trong khi đó, giá cà phê arabica ghi nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm đan xen, các mức giảm nhẹ. Cà phê arabica kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm tất cả chỉ 0,40 Cent (0,20%) xuống 203,55 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 3 giảm 0,25 Cent (0,15%), còn 206,40 Cent/lb. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức rất cao.
Giá cà phê thế giới tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ phiên đầu tuần do thời tiết đã có mưa thuận lợi báo hiệu một vụ mới khả quan. Việc đồng nội tệ Brazil suy yếu cũng kích thích người trồng cà phê đẩy mạnh việc bán hàng. Tính đến thứ Hai ngày 1/11, tồn kho cà phê robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã giảm thêm 1.000 tấn, tức giảm 0,85 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 116.600 tấn (tương đương 1.943.333 bao, bao 60 kg).
Ghi nhận của TG&VN tại phiên đóng cửa giao dịch đầu tuần (8/11), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 1/2022 tiếp tục giảm nhẹ 11 USD (0,5%), giao dịch tại 2.170 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng giảm 9 USD (0,42%), giao dịch tại 2.122 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tiếp tục rất yếu.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York giảm. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 giảm 2,6 Cent (1,28%), giao dịch tại 200,95 Cent/lb. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 cũng giảm 2,65 Cent (1,28%), giao dịch tại 203,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 9/11 giảm 300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Thị trường hàng hóa nói chung đang theo dõi chặt các chính sách tiền tệ của các NHTW lớn để điều chỉnh xu hướng trong ngắn hạn. Hai thị trường cà phê phái sinh cũng không ngoại lệ.
Chẳng hạn, luồng vốn trên thị trường tài chính tuần qua tập trung vào cổ phiếu, khiến chỉ số chứng khoán khắp nơi báo tăng điểm lên mức cao lịch sử. Hiện giá cà phê bị các yếu tố kinh tế vĩ mô, tiền tệ chi phối, quyền quyết định chủ yếu nằm trong tay các đại gia tài chính.
Trong thời gian tới, xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự báo sẽ thuận lợi hơn khi Việt Nam đã bước vào vụ thu hoạch mới 2021-2022. Dịch Covid-19 trong nước vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên chiến lược tiếp cận mới của nền kinh tế đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh, giúp thuận lợi trong khâu sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ.
Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt nguồn lao động trong vụ thu hoạch vẫn là yếu tố đáng lo ngại nhất hiện nay. Chẳng hạn tại, Đắk Lắk (tỉnh Kon Tum), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho biết, niên vụ cà phê 2021 – 2022, Đắk Lắk có trên 209.000 ha, với sản lượng ước đạt trên 500.000 tấn. Những năm trước, lao động ở Đắk Lắk chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Năm nay, dự kiến thiếu khoảng trên 5.000 lao động thu hái cà phê. Để giải quyết tình trạng khan hiếm nhân công thu hái, năm nay thay vì thu hoạch “cuốn chiếu” như trước, nông dân sẽ thu hái rải vụ, nên thời gian thu hoạch sẽ kéo dài hơn so với trước đây khoảng 1 tháng, trong đó thu sớm hơn 15 ngày và kết thúc muộn hơn 15 ngày. Thời gian thu hoạch thực tế khoảng 55 ngày. Chính vụ thu bắt đầu từ ngày 15/11.
Giới chuyên gia nhận định, giá xuất khẩu có xu hướng tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung và các FTA sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong thời gian tới.
So với quý II/2021 và so với cùng kỳ năm 2020, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý III/2021 sang châu Á giảm, trong khi xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, châu Phi tăng trưởng khả quan. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang châu Âu tăng từ 42,34% trong quý III/2020 lên 48% trong quý III/2021; châu Mỹ tăng từ 10,7% lên 11,4%; châu Phi tăng mạnh từ 4,34% lên 6,85%. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang châu Á giảm từ 41,06% trong quý III/2020 xuống 32,72% trong quý III/2021, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Kể từ thứ Hai ngày 8/11, các thị trường chính thức giao dịch theo giờ mùa Đông. Cụ thể: Thị trường London mở cửa lúc 16g00’ và đóng cửa lúc 00g30’ ngày hôm sau. Thị trường New York mở cửa lúc 16g15’ và đóng cửa lúc 01g30’ ngày hôm sau.