Theo Asiapolitik, giá dầu tăng chóng mặt trong những tháng gần đây. Vào tháng 3/2022, dầu thô được giao dịch ở thị trường châu Âu với giá khoảng 117 USD/thùng, tăng mạnh so với mức 18,38 USD/tháng vào hồi tháng 4/2020.
Điều này đã đẩy chi phí năng lượng trên thế giới, đặc biệt là giá xăng dầu, lên cao, mặc dù giá dầu thô đã bắt đầu dịu lại đôi chút kể từ tháng Ba.
Một cây xăng ở tỉnh Stung Treng, Đông Bắc Campuchia, đóng cửa do giá xăng cao bất thường. (Nguồn: Khmer Times) |
Kịch bản giá dầu tiếp tục tăng cao
Giá dầu cao có một số tác động phụ. Tác động nổi bật nhất về mặt chính trị là chúng khiến mọi người tức giận, bởi vì không ai thích trả giá cao hơn cho một mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thứ họ cần sử dụng hằng ngày.
Vì lý do này, nhiều nhà lãnh đạo chính trị quan tâm đến việc đảm bảo giá xăng dầu vẫn ổn định và phải chăng, đồng thời cho rằng cần một chặng đường dài để đạt được điều này thông qua trợ cấp, trần giá, miễn thuế, phân bổ và các biện pháp can thiệp thị trường khác.
Nhưng giá dầu cao có thể phục vụ một mục đích khác, đó là đưa mọi người rời xa nhiên liệu hóa thạch và hướng tới các dạng năng lượng tái tạo nhanh hơn những gì họ có thể có.
Giá nhiên liệu cao khiến người dân không hài lòng và nếu giá cao còn tiếp tục kéo dài đủ lâu sẽ khiến mọi người từ bỏ những chiếc xe hơi ngốn xăng và chuyển sang phương tiện công cộng hoặc xe điện.
Ông James Guild, một chuyên gia về thương mại, tài chính và phát triển kinh tế ở khu vực Đông Nam Á, cho rằng, đây có thể không phải là những lựa chọn thay thế thực tế cho nhiều người tiêu dùng ở Đông Nam Á vào thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, đó cũng chính là vấn đề, nếu giá cả vẫn tiếp tục cao trong thời gian đủ dài thì các chính phủ sẽ buộc phải xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc hơn.
Nói cách khác, quản lý tác động của giá dầu cao liên quan đến sự đánh đổi. Trong một số trường hợp, giá cả có thể bị kìm hãm vì lợi ích của sự ổn định chính trị.
Nhưng chúng cũng có thể được chuyển sang người tiêu dùng và có khả năng thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các phương thức tiêu thụ năng lượng sạch hơn và bền vững hơn.
Điều này sẽ liên quan đến một số “cơn đau” và sự gián đoạn nguồn cung trong ngắn hạn và trung hạn, nhưng cuối cùng có thể dẫn đến một kết quả lâu dài tích cực hơn.
Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng
Ở khu vực Đông Nam Á, người ta đang nhìn thấy cả hai điều này, khi chính phủ các nước đang cân nhắc lợi thế so sánh của họ và những đánh đổi liên quan đến việc quản lý giá dầu tăng cao. Trước hết, xem xét hai trường hợp cụ thể ở Thái Lan và Indonesia.
Khí đốt ở Thái Lan được bán bởi một số công ty khác nhau, bao gồm PTT thuộc sở hữu nhà nước nhưng cũng có các công ty như Shell và ExxonMobil. Mặc dù có trợ cấp và áp mức trần giá, nhưng một phần tác động của giá dầu cao hơn được chuyển cho người tiêu dùng.
Do đó, giá xăng không chì cao cấp của Thái Lan tăng gần gấp đôi, từ 26,56 Baht/lít (khoảng 0,73 USD/lít) vào tháng 5/2020 lên 49,51 Baht/lít (1,37 USD/lít) hai năm sau đó.
Ngược lại, xăng Pertamax không chì cao cấp của Indonesia chỉ tăng giá một lần trong tháng 4/2022, khi tăng khoảng 30%. Giá xăng Pertalite, một loại nhiên liệu có trị số octan thấp hơn, không hề tăng.
Việc giữ mức giá này ổn định trong bối cảnh giá dầu tăng cao đang khiến công ty dầu khí nhà nước Pertamina, công ty độc quyền về bán lẻ xăng, thiệt hại hàng tỷ USD do phải bù chênh lệch giá.
Một phần khoản lỗ này được bù đắp bởi các khoản trợ cấp, nhưng lý do thực sự mà tập đoàn Pertamina sẵn sàng chấp nhận chúng là vì lợi ích về mặt chính trị cho chính phủ Indonesia.
Các quốc gia có nhiều dầu và khí đốt hơn, như Malaysia và Indonesia, đang thực hiện chính sách năng lượng theo các tính toán kinh tế chính trị khác nhau và do đó có những ưu đãi khác nhau. (Nguồn: Shell.com.my) |
Indonesia đã lựa chọn giữ giá ở mức thấp, ổn định và có vị thế tốt hơn để làm như vậy so với Thái Lan vì Indonesia từ trước đến nay là một quốc gia sản xuất dầu lớn.
Trong khi đó, Thái Lan chuyển một phần chi phí cao hơn này cho người tiêu dùng và nhìn chung ít có khả năng giảm giá vì nước này là nhà nhập khẩu năng lượng ròng và không thích thâm hụt ngân sách lớn.
Theo ước tính chuyên gia James Guild, đây là lý do chính khiến Thái Lan đang có những tiến bộ đáng kể trong việc chuyển đổi sang các hình thức tiêu thụ năng lượng sạch hơn.
Đợt giá dầu cao như hiện nay rất có thể sẽ góp phần đẩy nhanh xu hướng đó trong khi củng cố sự cần thiết chiến lược của việc chuyển đổi năng lượng nhanh hơn. Và điều này đúng với các nước nhập khẩu năng lượng ròng khác như Việt Nam và Philippines.
Các quốc gia có nhiều dầu và khí đốt hơn, như Malaysia và Indonesia, đang thực hiện chính sách năng lượng theo các tính toán kinh tế chính trị khác nhau và do đó có những ưu đãi khác nhau. Bởi vì những nước này có thể kiểm soát giá cả ở một mức độ nào đó trong thời gian thị trường dầu biến động, họ có xu hướng làm như vậy vì lợi ích ổn định chính trị.
Điều này không có nghĩa là các quốc gia như vậy không có khả năng chuyển đổi khỏi tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, theo nhận định, giá dầu cao do các lực lượng thị trường ấn định không có khả năng là chất xúc tác cho chuyển đổi năng lượng ở các quốc gia này.