Máy bơm dầu ở mỏ dầu sông Kern tại Bakersfield, California, Mỹ. HIện giá dầu thô WTI giao kỳ hạn giảm 41 Cent. (Nguồn: Reuters) |
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 41 Cent (tương đương 0,6%) xuống 73,38 USD/thùng vào lúc 7 giờ 53 phút (giờ Việt Nam). Ngược lại, giá dầu Brent Biển Bắc tiến 40 Cent (khoảng 0,5%) lên 76,54 USD/thùng.
Cả hai loại dầu tiêu chuẩn trên đã tăng 3 - 4% vào tuần trước sau khi các số liệu ban đầu cho thấy mức độ bệnh do biến thể Omicron của Covid-19 gây ra có thể nhẹ hơn. Tuy nhiên, biến thể này vẫn có khả năng lây truyền cao và khiến số ca mắc Covid-19 tăng đột biến trên toàn thế giới.
Theo giới quan sát, giá dầu WTI đi xuống trong phiên này chủ yếu do lo ngại về tình trạng hàng nghìn chuyến bay đã bị hủy tại Mỹ trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Ba ngày qua, hàng nghìn hành khách đã bị mắc kẹt sau khi các hãng hàng không Mỹ phải hủy một loạt chuyến bay vì các lý do liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên đã chạm mức cao kỷ lục trong tuần trước do nguồn cung thắt chặt, qua đó hỗ trợ giá dầu Brent.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24/12 cho biết Liên minh châu Âu (EU) chỉ có thể trách chính khối này khi giá khí đốt tăng vọt lên mức kỷ lục. Đồng thời, ông cho rằng, một số thành viên của EU đã bán lại khí đốt giá rẻ của Nga với giá cao hơn nhiều cho các nước khác.
Trên thị trường, các nhà đầu tư sẽ dồn sự chú ý vào cuộc họp tiếp theo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) vào ngày 4/1/2022.
Tại cuộc họp này, OPEC+ sẽ quyết định có tiếp tục tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng 2/2022 hay không. Chính phủ Nga tin rằng, giá dầu khó có thể thay đổi đáng kể trong năm tới, với nhu cầu sẽ phục hồi về mức trước đại dịch vào cuối năm 2022.