📞

Giá dầu còn nhảy múa?

08:45 | 14/03/2015
Dầu lửa vừa có những phiên khởi sắc, sau chuỗi ngày dài tụt dốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, giá dầu sẽ còn biến động nhiều, chưa thể ổn định ngay được. Tương tự như vậy, tín hiệu giá dầu chưa thể khẳng định điều gì đối với kinh tế thế giới.
Giá dầu sẽ còn biến động nhiều, chưa thể ổn định ngay.

Chuỗi ngày sụt giảm của giá dầu đột nhiên bị chững lại trong một số phiên giao dịch đầu năm 2015, kể từ tháng 6/2014. Có khi, chỉ trong bốn phiên liên tục, giá dầu đã tăng được 18% giá trị, lên mức 51 USD/thùng (tăng khoảng 7-8 USD/thùng). Việc cắt giảm chi phí từ một số công ty dầu lớn trên thế giới, thông tin về việc 90 giàn khoan dầu của Mỹ ngừng hoạt động, cuộc đàm phán giữa Saudi Arabia và Nga… được xem là lý do đẩy giá dầu tăng.

Cuộc chiến chưa kết thúc

Như vậy, việc giá dầu tăng là do hy vọng về nguồn cung đang dần được thắt lại. Tuy nhiên, các thông tin trên mới đều chỉ là hy vọng. Trên thực tế, những điều đó chưa diễn ra, sản lượng khai thác của Mỹ vẫn đạt con số kỷ lục là 9 triệu thùng/ngày. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mặc dù khẳng định giá dầu đã đến đáy, nhưng thực tế họ mới chỉ tuyên bố suông mà chưa hề có bất cứ động thái cắt giảm sản lượng nào. Trong khi đó, nhu cầu dầu đang giảm tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới do tình hình kinh tế chưa thật sự khởi sắc. Trong báo cáo tháng 12/2014, OPEC đã giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới xuống còn 28,92 triệu thùng/ngày, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2002.

Đó là lý do mà nhiều chuyên gia cho rằng, đà tăng giá dầu thô vừa qua chỉ trong ngắn hạn, giá dầu sẽ còn biến động nhiều, chưa thể ổn định ngay.

Thời gian qua, OPEC đã thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ thị phần của mình trên thị trường dầu lửa toàn cầu trước sự cạnh tranh của các công ty khai thác dầu đá phiến ở Mỹ và dầu cát ở Canada. Với lợi thế chiếm khoảng 40% nguồn cung dầu của toàn thế giới, chiến lược này của OPEC dựa trên quan điểm cho rằng, một thời gian dài giá dầu ở mức thấp sẽ buộc các nhà sản xuất khác với chi phí sản xuất cao hơn phải cắt giảm sản lượng, nhờ đó OPEC tái khẳng định được ảnh hưởng của khối.

Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thụy Sỹ hồi tháng 1/2015, Tổng thư ký OPEC Abdullah al-Badri khẳng định: "Giá dầu sẽ chỉ ở mức thấp thêm một tháng nữa. Tôi tin chắc là giá sẽ tăng trở lại". OPEC "biết mình đang làm gì" cho dù thị trường đang thừa cung, nhu cầu tiêu thụ giảm sút, nhưng "chúng tôi vẫn quyết định giữ nguyên sản lượng".

Đến nay, dù mạch sụt giảm liên tục đã tạm chấm dứt và giá dầu ổn định quanh mức 50 USD/thùng, nhưng giá dầu đó vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ hồi phục trở lại như nhận định của Tổng thư ký OPEC. Trong khi đó, một số thành viên OPEC vẫn âm thầm tiến đến mục tiêu tiếp theo trong cuộc chiến giá dầu. Saudi Arabia và sau đó là Iraq đang lặng lẽ tiến về châu Á - thị trường nhập khẩu dầu tiềm năng nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, với ý đồ rõ rệt là nắm gọn thị trường này bằng một cuộc chiến thị phần.

Theo một báo cáo, giá dầu mà Iraq chào bán cho đối tác châu Á đang thấp hơn giá thị trường tới 4,1 USD/thùng. Bởi thế mà lượng dầu khai thác của những quốc gia này vẫn đang tăng lên.

Sẽ lại giảm mạnh

Như vậy, OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng, nên trách nhiệm cắt giảm sản lượng nhằm khôi phục giá dầu thuộc về những quốc gia xuất khẩu dầu ngoài OPEC do Mỹ dẫn đầu. Chuyên gia Carsten Fritsch của CommerzBank (Mỹ) cho rằng giá dầu sẽ giảm và làm suy yếu sức hút các nhà đầu tư vào ngành dầu mỏ tại Mỹ, vốn là động lực cho sự tăng trưởng khai thác dầu mỏ tại nước này.

Đúng như vậy, ngay trong phiên giao dịch ngày 10/3, diễn biến đồng USD mạnh lên đã gia tăng sức ép đối với thị trường "vàng đen" vốn đã trong tình trạng dư cung và ngay lập tức kéo giá dầu thế giới giảm mạnh. Trong bảy phiên giao dịch vừa qua, có tới sáu phiên giá dầu thế giới tiếp tục suy giảm. Chuyên gia John Kildfuff của Again Capital nhận định: "Rõ ràng sự mạnh lên của USD đã tác động tới thị trường dầu mỏ, cũng như các thị trường cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu trong ngành công nghiệp dầu khí".

Trong khi đó, theo quan điểm của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, xu thế giảm giá dầu vẫn chưa chấm dứt vào đầu năm 2015 và sẽ tiếp tục giảm sâu. Điều này có liên quan mật thiết đến sự bùng nổ khai thác khí đá phiến ở Mỹ, dẫn đến cuộc chiến dầu mỏ giữa Mỹ và OPEC, với hạt nhân nòng cốt là Saudi Arabia. Dự báo, tình trạng dư cung dầu mỏ có thể sẽ còn trầm trọng hơn, một phần vì nhu cầu giảm đi khi mùa Xuân bắt đầu ở khu vực Bắc bán cầu. Báo cáo triển vọng thị trường dầu mỏ của Bộ Năng lượng Mỹ công bố hôm 10/3 cũng dự báo dự trữ dầu thô của nước này tiếp tục tăng mạnh trong năm nay.

Minh Anh