Chốt phiên trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2017 tăng 1,33 USD lên 52,83 USD/thùng. Trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 2/2017 tăng 1,36 USD lên 55,69 USD/thùng và có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2015 khi lên tới 57,89 USD/thùng.
Hình minh họa. (Nguồn: Getty Images) |
Cuối tuần qua, các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới cả trong và ngoài Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác 558.000 thùng dầu mỗi ngày. Việc này đã tác động tích cực tới giá dầu. Đáng chú ý, Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, cho biết có thể cắt giảm sản lượng thậm chí hơn mức đề xuất ban đầu này.
Tuy nhiên, giá dầu mỏ tăng lại làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ gia tăng lạm phát, đồng thời đẩy lãi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ lên mức cao nhất trong hai năm qua trước thềm cuộc họp tuần này của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Cùng ngày, giá vàng thế giới cũng đồng loạt tăng khi đồng USD yếu đi, cho dù giới đầu tư tin rằng trong cuộc họp diễn ra ngày 13-14/12 FED sẽ nâng lãi suất lần thứ hai kể từ năm 2008 đến nay.
Chốt phiên trên sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao tháng 2/2017 tăng 3,9 USD lên 1.165,80 USD/ounce, tương đương mức tăng 0,34%. Giá vàng được hỗ trợ khi chỉ số đồng USD - đơn vị đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với giỏ các đồng tiền chủ chốt - giảm 0,62% xuống còn 101.01.
Trái ngược với diễn biến trên thị trường vàng và dầu mỏ, thị trường chứng khoán Âu và Mỹ khá trầm lắng trước cuộc họp của FED. Chỉ số FTSE 100 giao dịch tại London (Anh) giảm 0,9% xuống 6.890,42 điểm. Trên sàn chứng khoán Frankfurt (Đức) và tại Paris (Pháp), chỉ số DAX 30 và CAC 40 cùng giảm 0,1% xuống tương ứng 11.190,21 điểm và 4.760,77 điểm. Tại thị trường Mỹ, các chỉ số chứng khoán diễn biến trái chiều. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,2% lên 19.796,43 điểm, trong khi S&P 500 giảm 0,1% xuống 2.256,96 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 0,6% xuống 5.412,54 điểm. |