📞

Giá dầu tăng nóng đẩy OPEC+ vào thế 'tiến thoái lưỡng nan'

Việt An 17:05 | 04/10/2021
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ sẽ nhóm họp vào khoảng 20h ngày 4/10 (theo giờ Việt Nam) để quyết định xem có nên tăng sản lượng dầu trong nỗ lực làm dịu giá năng lượng tăng cao trên toàn cầu.
Các bể chứa nhiên liệu tại một cơ sở khai thác dầu ở thành phố Dammam, Saudi Arabia. (Nguồn: AFP)

Thị trường thay đổi rất ít kể từ cuộc họp ngày 1/9 của OPEC+, khi nhu cầu tiếp tục gây sức ép lên nguồn cung dầu thô trên toàn cầu. Tuần trước, giá dầu lần đầu tiên trong gần ba năm vọt lên trên 80 USD/thùng khiến OPEC+ rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Mặc dù giá dầu tăng cao có lợi cho các nhà sản xuất tăng xuất khẩu song sẽ có những hạn chế trong trung hạn nếu giá ngày càng tăng, làm kìm hãm sự phục hồi nền kinh tế mong manh sau đại dịch.

Ngoài ra, xu hướng này có thể khuyến khích các đối thủ cạnh tranh mới tham gia thị trường, giúp thăm dò thêm nhiều mỏ dầu mới hay thậm chí là khuyến khích xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo.

OPEC vẫn đang duy trì việc tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày, theo thỏa thuận đạt được trong tháng 7/2021 và mức này được dự kiến giữ nguyên trong thời gian tới.

Hồi tháng 8/2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hối thúc OPEC đưa thêm dầu ra thị trường khi Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói rằng, tổ chức này không hành động đủ để thúc đẩy sản xuất dầu.

Trong một lưu ý trước cuộc họp của OPEC, chuyên gia Helima Croft thuộc ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets dự đoán, tổ chức này sẽ chịu sức ép ngày càng tăng từ Mỹ để bơm thêm dầu cho thị trường.

Theo bà Helima Croft, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng leo thang tại châu Âu và Trung Quốc, nhiều khả năng OPEC sẽ xem xét lại thời điểm ngừng bơm dầu ra thị trường ban đầu của mình, đồng thời thúc đẩy tăng sản lượng trở lại.

Trong một nghiên cứu công bố tuần trước, các nhà phân tích của ngân hàng Morgan Stanley lưu ý về khả năng nhu cầu sụt giảm nếu giá dầu tăng cao trên 80 USD/thùng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cho hay, nước này đang cố gắng giữ giá dầu quanh mức 70 USD/thùng.

Tuy nhiên, ngân hàng Goldman Sachs nhận thấy, giá dầu Brent đã tăng vọt lên 90 USD/thùng trong vòng vài tháng.

Để làm dịu tình hình giá dầu “quá nóng” hiện nay, OPEC+ có thể chọn phương án tăng sản lượng, nhưng vấn đề đặt ra là các nước có sẵn sàng thực hiện điều này hay không.

Theo bà Croft, Nigeria, Angola và Libya vẫn đang đối mặt với những thách thức về cơ sở hạ tầng, đầu tư và an ninh.

(theo AFP)