Trong bản thông điệp nhân Ngày Quốc tế Gia đình (15/5), Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng các gia đình đang đóng vai trò đi đầu trong nỗ lực của thế giới nhằm hiện thực hóa Chương trình nghị sự phát triển bền vững (SDGs) năm 2030.
Một gia đình từ nhiều nhóm dân tộc (Ả rập, Tuareg và Songhai) tại Mali. (Nguồn: UN Photo) |
Với chủ đề: “Gia đình, một cuộc sống lành mạnh và một tương lai bền vững”, ngày Quốc tế Gia đình năm 2016 tập trung vào mục tiêu SDGs thứ ba, đó là “Cho phép tất cả mọi người được sống với sức khỏe tốt và thêm phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi”.
Các hoạt động trong ngày này tập trung vào các vấn đề liên quan đến môi trường gia đình, sự cân đối công việc trong gia đình nhằm cải thiện sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình, đồng thời chú trọng vai trò của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái, đặc biệt chú ý đến vai trò của người đàn ông, cũng như sự chuyển giao giữa các thế hệ và phúc lợi cho người cao tuổi.
Một gia đình Haiti đang tiếp nhận hàng viện trợ quốc tế sau cơn lũ quét. (Nguồn: UN Photo) |
Bên cạnh đó, Tổng thư ký LHQ cảnh báo về sự nổi lên gần đây của các nguy cơ toàn cầu như chủ nghĩa bạo lực cực đoan, những hậu quả từ tình trạng di cư và thời tiết khắc nghiệt cùng nhiều vấn đề khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính toàn vẹn của các gia đình.
Ông lưu ý, dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình năm nay diễn ra trong bối cảnh các gia đình trên khắp thế giới đang gặp nhiều bất ổn và bi kịch. Ngay cả trong những xã hội tương đối ổn định, các gia đình cũng đang phải chật vật đối phó với tình trạng bạo lực, phân biệt đối xử và nghèo đói.
Do đó, LHQ kêu gọi chính phủ các nước quyết tâm hành động vì sự phát triển bền vững bằng cách tạo điều kiện cho mỗi thành viên trong gia đình, bất kể tuổi tác, có thể nhận ra tiềm năng của chính bản thân mình và đóng một vai trò nhất định trong thế giới.
Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi các chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức và các đối tác khác cùng quan tâm tới cuộc sống gia đình, đề ra những chính sách và pháp luật để tạo một môi trường gia đình có lợi cho sự phát triển và tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ có thể thực hiện dễ dàng hơn trách nhiệm nuôi dạy con cái, "để những đứa trẻ luôn được hạnh phúc và khỏe mạnh, trở thành những người lớn có các đóng góp có giá trị".
Năm 1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc trong Nghị quyết 47/237 đã quyết định lấy ngày 15/5 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình với mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề gia đình và tăng cường khả năng của các quốc gia trong việc thực hiện các chính sách toàn diện về những vấn đề liên quan đến gia đình.