Tiến sĩ, nhà báo Hồ Bất Khuất. |
Trong thời đại cách mạng 4.0, theo ông, việc lưu giữ và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình quan trọng ra sao?
Gia đình đã tồn tại trước cách mạng 4.0 hàng ngàn năm và sẽ tồn tại, phát triển trong và sau cách mạng 4.0. Những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy giúp cho gia đình điều chỉnh các mối quan hệ sao cho mỗi người cảm thấy thoải mái trong điều kiện mới (thoải mái chính là điều con người cần có để cảm thấy mình hạnh phúc).
Vấn đề đặt ra là lưu giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình như thế nào? Sự gắn kết của các thành viên trong gia đình dựa vào quan hệ huyết thống và tình yêu thương mà mọi người dành cho nhau. Trong bất kỳ điều kiện xã hội nào, sự nhận thức của con người về giá trị của tình yêu thương, sự tôn trọng, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, che chở cho nhau là quan trọng nhất.
Qua các thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam đã có ít nhiều thay đổi. Vậy theo ông làm sao để duy trì được nền tảng của gia đình?
Đúng là cấu trúc và quan hệ trong gia đình hiện nay đã thay đổi nhiều so với cách đây chưa lâu, khoảng trên 30 năm trước. Loại hình gia đình 4 thế hệ còn lại rất ít, loại 3 thế hệ còn nhiều hơn nhưng vẫn trên đà giảm. Chỉ có loại gia đình 2 thế hệ (được gọi là “gia đình hạt nhân”, chỉ có bố mẹ và con) là ngày càng gia tăng về số lượng. Như vậy, nền tảng gia đình (thông qua gia đình hạt nhân) không bao giờ bị phá vỡ.
Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để những vẻ đẹp của gia đình 4 thế hệ, 3 thế hệ vẫn được gìn giữ. Giải pháp quan trọng là “sống gần chứ không sống cùng”, nghĩa là các thế hệ sống gần nhau chứ không cùng nhau. Trước kia, những người ra thành phố lập nghiệp, thành đạt thường đưa bố mẹ ra ở cùng, dễ rạn nứt tình cảm. Nay, họ cũng đưa bố mẹ ra nhưng không ở cùng mà sống gần bên cạnh. Điều này giúp ông bà, cháu chắt gần gũi nhau, có thể chăm sóc nhau nên hầu như không nảy sinh mâu thuẫn.
Thời công nghệ lên ngôi, khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình càng xa hơn, nhiều giá trị gia đình bị phá vỡ. (Nguồn: Internet) |
Thời công nghệ lên ngôi, khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình càng xa hơn, nhiều giá trị gia đình bị phá vỡ. Có cách gì để giáo dục văn hóa gia đình đến từng cá nhân, từng gia đình, từ đó tác động tích cực đến văn hóa cộng đồng hay không, thưa ông?
Có rất nhiều cách để mọi người hiểu rằng, văn hóa gia đình vô cùng quan trọng trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão. Tuy nhiên, cơ sở để các cách đó thành công là sự tự nhận thức của mỗi người. Trước hết, những người trưởng thành phải hiểu rằng, tránh lạm dụng công nghệ trong sinh hoạt đời thường. Ví dụ, khi các thành viên trong gia đình ngồi với nhau xung quanh bàn ăn thì không dùng điện thoại di động nữa.
Tiếp theo, phải làm cho mọi người hiểu rằng, nhìn thấy nhau trên mạng, nghe tiếng nhau qua điện thoại không thể thay thế được những cuộc gặp trực tiếp, nhìn vào mắt nhau và nói những lời yêu thương.
Thứ ba, dù hàng ngày chúng ta vẫn biết tình hình sức khỏe, công việc của nhau thông qua điện thoại nhưng việc duy trì bữa cơm tối có tất cả các thành viên gia đình là rất đáng quý. Ở đây ăn gì, uống gì không quan trọng, mà là nhìn thấy gương mặt, nụ cười, ánh mắt, âm thanh vui tươi trong giọng nói mới có ý nghĩa lớn.
Đây mới là sự quan tâm tới nhau đích thực chứ không phải hình thức, màu mè. Từ cách giao tiếp nồng ấm trong một gia đình, chúng ta nhân rộng ra cả cầu thang, tầng (đối với những người sống ở chung cư), cả khu tập thể, khu phố… Còn ở nông thôn, sự kết nối với nhau đã “ăn” vào máu người dân rồi.
Chung quy lại, cái gốc của văn hóa gia đình là sự yêu thương và chăm sóc lẫn nhau, muốn cho nhau được vui vẻ, hạnh phúc.
Dùng cái “gốc” này để nhân rộng ra cộng đồng, chắc chắn chúng ta sẽ có được những tác động tích cực.
Hiện nay, phần lớn các gia đình tiếp nhận và khát khao cuộc sống văn minh, bình đẳng. Họ học hỏi và lĩnh hội những nét tiến bộ của các quốc gia khác. Tuy nhiên để tương thích với mỗi gia đình ở Việt Nam không phải dễ dàng gì?
Đúng vậy, dân tộc nào cũng có truyền thống và bản sắc văn hóa riêng của mình. Chính vì vậy, khi lĩnh hội (không phải tiếp nhận) những cái hay, cái đẹp trong truyền thống của các dân tộc khác, chúng ta phải tỉnh táo xem xét những gì phù hợp, những gì không.
Việc này thường diễn ra trong cả một quá trình dài nên những gì không phù hợp thường bị đào thải. Tuy nhiên, nếu có định hướng trước thì người ta tránh được sai lầm, ít bị trả giá. Ở nhiều nước trên thế giới, cha mẹ chỉ có trách nhiệm đối với con cái trước 18 tuổi. Sau 18 tuổi, con cái phải tự lo liệu mọi thứ, từ công ăn việc làm đến chỗ ở. Trong trường hợp con cái cứ “ở lỳ” trong nhà bố mẹ, họ có thể bị kiện ra tòa. Nhưng những điều như thế thực sự khó được chấp nhận ở Việt Nam.
Ở một góc cạnh khác, dù có nhiều ngày tôn vinh phụ nữ nhưng quan trọng là chúng ta đã thực sự trao quyền cho phái đẹp một cách thực chất hay mới chỉ đang là hình thức, thưa ông?
Một trong những điều khá đáng buồn là chúng ta rất chuộng hình thức. Điều này “xâm nhập” vào cả việc tôn vinh phụ nữ. Thực tế chỉ ra rằng, chúng ta nói rất hay về bình đẳng giới, ca ngợi phụ nữ không kém gì đàn ông trong việc học hành, quản lý, lãnh đạo nhưng lại không trao cho họ thực quyền.
Cứ nhìn vào tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo sẽ thấy ngay thôi, họ thường chỉ chiếm ¼. Thử kể ra có bao nhiêu phụ nữ là bí thư, chủ tịch tỉnh trong 63 tỉnh thành của ta? Không quá 1/5!
Do vậy, có thể nói, việc chúng ta tôn vinh phụ nữ vẫn nặng về hình thức. Tôi nghĩ, muốn có thực chất, chúng ta còn phải đấu tranh nhiều thông qua tuyên truyền giáo dục và giám sát trên thực tế.
Xin cảm ơn TS!
*TS. Hồ Bất Khuất, công tác tại Tạp chí Gia đình và Trẻ em, Giảng viên khoa Báo chí, Đại học Vinh