Quốc hội Hungary họp thông qua đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan, ngày 27/3. (Nguồn: Reuters) |
Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua dự luật phê duyệt đề nghị của Phần Lan tham gia NATO.
Tuy nhiên, Thụy Điển không gặp may mắn như quốc gia láng giềng, khi dự luật về việc nước này gia nhập NATO vẫn chưa được cơ quan lập pháp Hungary bỏ phiếu, thậm chí phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa có câu trả lời chính xác cho thời gian phê chuẩn đơn của Stockholm.
Các văn kiện về việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO đã được đệ trình lên Quốc hội Hungary từ mùa Hè năm ngoái, song đảng cầm quyền Fidesz của Thủ tướng Viktor Orban không thể lên lịch trình thảo luận và bỏ phiếu.
Sau nhiều tháng im lặng, phía Hungary phàn nàn việc các chính trị gia Phần Lan và Thụy Điển lan truyền những chỉ trích Budapest "một cách vô căn cứ”.
Hồi tháng 2, Chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Fidesz Mate Kocsis cho biết, “một số nghị sĩ trong nhóm này rất e ngại tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển”. Sau đó, một phái đoàn nghị sĩ của đảng này đã tới hai nước Bắc Âu để giải quyết những bất đồng.
Đảng Fidesz cầm quyền của Thủ tướng Orban cùng đối tác Dân chủ Kitô giáo (KDNP) kiểm soát 2/3 số ghế trong Quốc hội Hungary. Phe đối lập Hungary cáo buộc đảng Fidesz sử dụng cuộc tranh luận nội bộ nhằm trì hoãn việc phê chuẩn.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhiều lần kêu gọi chính phủ Hungary không cản trở quá trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, trong khi các cựu bộ trưởng Hungary cũng hối thúc chính phủ nước này phê chuẩn ngay lập tức.
Ngày 17/3, Thủ tướng Orban và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí chấp thuận tư cách thành viên NATO đối với Phần Lan.
Tuy nhiên, đối với Thụy Điển, cho tới nay, cuộc bỏ phiếu về tư cách thành viên NATO vẫn không có trong chương trình nghị sự của Quốc hội Hungary mặc dù chính phủ của ông Orban từng cam kết sẽ tiến hành vào mùa Xuân.
Giới chức Hungary cho biết, hiện một số nghị sĩ vẫn “mong đợi sự trấn an từ các chính trị gia Thụy Điển rằng, sẽ không có tranh chấp chính trị giữa hai nước trong tương lai”.
Theo giới phân tích, điều này có nghĩa là các chính trị gia Thụy Điển nên ngừng bình luận về tình hình chính trị nội bộ của Hungary.
Phía Hungary chưa đưa ra các yêu cầu cụ thể, nhưng có suy đoán cho rằng, Thủ tướng Orban muốn gây thêm áp lực lên Thụy Điển - nước đang giữ Chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) - để nước này không chỉ trích gay gắt Budapest về các vấn đề như pháp quyền, tham nhũng.