📞

Gia nhập thị trường mua bán tranh tại Việt Nam cần xác định đi dường dài

09:45 | 05/01/2025
Thị trường mua bán tranh nghệ thuật tại Việt Nam được các chuyên gia nhận định còn sơ cấp, non trẻ, thiếu chuyên nghiệp và bài bản, người gia nhập thị trường cần xác định phải đi đường dài.
Tranh "Em bé ôm gà" Lê Phổ - tác phẩm mỹ thuật Đông Dương hồi hương từ Mỹ - cho thấy tín hiệu tích cực của thị trường mua bán tranh ở Việt Nam. (Ảnh: Rago Arts)

Trong những năm gần đây, thị trường mỹ thuật Việt Nam chứng kiến nhiều sự thay đổi và phát triển tích cực. Không chỉ có những bức trăm ngàn USD, triệu USD của các danh họa thời Đông Dương được rao bán trên các sàn đấu giá quốc tế, mà các hoạt động rao bán, mua và sưu tầm tranh… trong nước cũng xuất hiện ngày một nhiều.

Thậm chí còn có những họa sĩ đương đại Việt Nam có tranh được giao dịch ở mức hàng trăm nghìn USD, có mức thu nhập lên đến tiền tỷ (đồng).

Tuy nhiên giới chuyên môn nhận định thị trường Việt Nam dù sôi động, nhưng vẫn chỉ đang là thị trường sơ cấp, còn non trẻ, thiếu chuyên nghiệp và tính bài bản.

Tại tọa đàm Trò chuyện về sức khỏe nghệ thuật diễn ra ngày 4/1 tại Hà Nội, do các tổ chức, nền tảng hỗ trợ phát triển nghệ thuật Đỡ Đần và Lân Tinh tổ chức các chuyên gia phân tích rõ hơn về thị trường mỹ thuật trong nước hiện nay.

Nhà sưu tầm Hoàng Anh Tuấn nhận định về bản chất, thị trường nghệ thuật không bao giờ có được tính minh bạch cũng như tính thanh khoản cao như thị trường hàng hóa tiêu dùng thông thường.

Ông nhận định phí gia nhập của những mặt hàng tiêu dùng thông thường rất rõ ràng, nhưng phí gia nhập của nghệ thuật thì lớn, trở thành một rào cản. Thêm vào đó, tranh lại là mặt hàng mang tính độc bản chứ không thể sản xuất hàng loạt, định giá của tác giả về tác phẩm của mình có thể rất chủ quan.

“Tôi biết trường hợp có người muốn bán đi bộ sưu tập của mình nhưng không khả thi, trừ khi quay lại liên hệ chính họa sĩ gốc. Lúc này thì bộ sưu tập lại giống như chiếc ôtô ở chỗ khi bán thì giá không còn cao như lúc mua”, nhà sưu tầm đưa ra ví dụ để minh họa cho khả năng thanh khoản thấp của thị trường nghệ thuật mỹ thuật tại Việt Nam.

Các chuyên gia chỉ ra một nhà sưu tầm quốc tế nếu muốn sưu tập tranh của danh họa Việt Nam cần có những nhà đầu tư trong nước sẵn sàng trả giá cao, nhưng hiện nay chưa có đủ người như vậy.

Các chuyên gia trong buổi trò chuyện về "sức khỏe" thị trường nghệ thuật Việt. (Nguồn: Vietnamplus)

Giám tuyển Ace Lê, Giám đốc thị trường Việt Nam của sàn đấu giá Sotheby’s (Anh) nhấn mạnh, điều kiện đủ để có một thị trường thứ cấp là sức khỏe của nhà sưu tầm nội địa. Dù đây là yếu tố thị trường Việt Nam còn yếu, tuy nhiên anh nhìn thấy những dấu hiệu tích cực.

“Ở giai đoạn đất nước mới mở cửa, có khoảng 90% là người mua nước ngoài vì đơn giản họ có thu nhập cao hơn, còn bây giờ thì ngược lại, 70% người mua hầu hết là trong nước. Họ mua cả tranh Đông Dương vốn là tranh có giá trị cao và thanh khoản cao, mua cả tranh nghệ sĩ trẻ”, giám tuyển này nhận định.

Ông Ace Lê cũng chỉ ra sau 30 năm kinh doanh tranh của các danh họa Việt với những suy nghĩ và hệ giá trị “vị phương Tây,” sàn Sotheby’s đã thấy nhu cầu hồi hương tranh của nhà sưu tầm Việt nên đã tuyển dụng người trong nước để phụ trách, quảng bá, trao đổi tranh bằng tiếng Việt. Ngoài ra việc có 20 tác phẩm đạt mốc đấu giá triệu USD được nhà sưu tầm Việt Nam mua cũng là tín hiệu đáng mừng, kéo theo sự thay đổi trong cách vận hành thị trường tranh trong nước.

Theo giới chuyên môn, nếu muốn bước vào thị trường, bất kể là người mua tranh hay bán tranh cũng cần hết sức thận trọng, xác định rõ mục tiêu của mình cũng như chấp nhận đi đường dài.

Bà Dương Thu Hằng, Giám đốc Hanoi Studio Gallery xác định việc này rất vất vả, đặc biệt khi phòng tranh này chọn đi theo hướng quảng bá cho các tác giả, tác phẩm đương đại tiềm năng. “Tôi tin chúng ta đã bắt đầu có một thị trường, nhưng các tác giả trẻ không thể mong sinh lời ngay trong 5-7 năm đầu, mà luôn phải tính bằng nhiều thập kỷ. Hãy cứ là người mua và sưu tầm, tận hưởng năng lượng của sự sáng tạo trước khi coi nó là một món đầu tư”.

(theo Vietnamplus)