📞

Gia tăng sức mạnh cho thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế

Hữu An 21:18 | 29/12/2020
TGVN. Việt Nam đã trải qua 17 năm triển khai chương trình Thương hiệu quốc gia và cũng gặt hái nhiều thành tích đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần chinh phục.
Toàn cảnh Tọa đàm ngày 29/12 tại Hà Nội. (Ảnh: Hữu An)

Ngày 29/12, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã kết hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội tổ chức Tọa đàm "Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập”.

Tọa đàm đã thu hút được sự tham gia của trên 150 đại diện đến từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới phát triển thương hiệu và xuất nhập khẩu.

Thương hiệu doanh nghiệp Việt gia tăng mạnh mẽ

Phát biểu tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Vũ Bá Phú cho biết, sau 17 năm triển khai thực hiện, số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên con số 124 doanh nghiệp năm 2020. Những con số này khẳng định đầy sức thuyết phục về chất lượng ngày càng được cải thiện của hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.

"Các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, 124 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2020 có kết quả kinh doanh ấn tượng, tổng doanh thu năm 2019 khoảng 1.430 nghìn tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu 137 nghìn tỷ đồng và đóng góp cho an sinh xã hội rất lớn", ông Phú khẳng định.

Ông Vũ Bá Phú cho biết, tổ chức Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam, được định giá tăng 29% từ 247 tỉ USD năm 2019 lên 319 tỷ năm 2020, đồng thời tăng thêm 9 hạng từ hạng 42 lên hạng 33 thế giới và Việt Nam được đánh giá là trường hợp thăng hạng nhanh trên thế giới.

Cùng với sự phát triển của Thương hiệu quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Theo xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước đạt gần 10 tỉ USD. "Đây là sự nỗ lực không mệt mỏi của các doanh nhân, doanh nghiệp, thể hiện hiệu quả của cơ chế, chính sách thuận lợi của Đảng và Nhà nước và là niềm tự hào của tất cả chúng ta", ông Phú nói.

Theo ông Phú, năm 2020 cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế khi vừa hoàn tất việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức được thông qua và có hiệu lực.

Việc tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới, là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì động lực nền kinh tế của mình trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế khu vực và toàn cầu.

Song song với Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và RCEP là điểm nhấn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, là tâm điểm kinh tế, tạo khởi sắc ấn tượng trong quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các quốc gia khác.

"Để tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra trong thời kì mới, trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt, chúng ta cần nhìn nhận rõ những hạn chế về phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm. Chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm, có khát vọng, đam mê, sáng tạo để nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Nếu vận dụng hiệu quả, thương hiệu quốc gia sẽ tạo ra cơ hội để vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa", ông Phú nhấn mạnh.

Việc phát triển thương hiệu chiếm khoảng 30% trong tổng chuỗi giá trị của doanh nghiệp. (Nguồn: Brand Finance)

Định vị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, để được công nhận là thương hiệu quốc gia thì đó phải là doanh nghiệp Việt Nam và sản xuất ra sản phẩm tại Việt Nam với ít nhất 51% cấu thành sản phẩm là từ các yếu tố trong nước.

Việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu buộc Việt Nam phải có chiến lược xây dựng Thương hiệu quốc gia nói riêng cũng như thương hiệu sản phẩm nói chung để đẩy mạnh hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia đã sớm có "tên tuổi" trên thị trường quốc tế.

Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp và khai thác rất mạnh mẽ các giá trị này như Đức, Nhật, Hàn Quốc...

Trong khi đó, Việt Nam đã trải qua 17 năm triển khai chương trình Thương hiệu quốc gia và cũng gặt hái nhiều thành tích đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần chinh phục.

Là một trong những doanh nghiệp xây dựng thương hiệu khá thành công, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse chia sẻ, bản chất các doanh nghiệp đều vận hành theo một chuỗi giá trị. Từ nguyên liệu đầu vào, quá trình nghiên cứu phát triển, gia công sản xuất, quảng cáo và marketing, phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng…

"Thông thường, việc phát triển thương hiệu chiếm khoảng 30% trong tổng chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Thương hiệu chính là một hệ thống quản lý chất lượng và quốc gia nào sở hữu nhiều thương hiệu lớn sẽ là một quốc gia thịnh vượng", ông Phú cho hay.

Còn ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV lại cho rằng, thương hiệu phải gắn với tầm nhìn. Toàn cầu hoá với mọi doanh nghiệp không thể có ngay lập tức và quan trọng là phải thích nghi với hệ sinh thái toàn cầu hoá.

Ông cũng cho biết, nếu doanh nghiệp muốn học hỏi các thương hiệu đã thành công thì về cơ bản sẽ không học được gì. Nguyên nhân vì mỗi quốc gia và doanh nghiệp đều có những đặc thù, bản sắc riêng. Vì thế, học hỏi kinh nghiệm tuy là điều cần thiết những mỗi doanh nghiệp đều phải xây dựng thương hiệu mang đặc thù, bản sắc riêng của mình.

Không ít doanh nghiệp cũng chia sẻ những băn khoăn khi đưa thương hiệu ra nước ngoài do thương hiệu còn yếu và thiếu kinh nghiệm nên dễ bị "thâu tóm". Ông Hoàng Xuân Hải – Công ty CP Quốc tế VAG cho biết, trước đây khi đàm phán xuất khẩu với thương hiệu LauDy, bên Nhật có thắc mắc và đề nghị đổi sang thương hiệu Nhật Bản. “Lúc đó chúng tôi chấp nhận và mất thương hiệu khi ra nước ngoài”, ông Hải kể lại.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Phú nhận định, Thương hiệu quốc gia muốn phát triển trước tiên phải phát triển các hạt nhân là thương hiệu sản phẩm. Tức thương hiệu sản phẩm đi ra ngoài được người dùng tín nhiệm, sử dụng. Từ đó mới trở thành Thương hiệu quốc gia.