📞

Gia tăng xuất khẩu nhờ quản lý hiệu quả chỉ dẫn địa lý

13:31 | 01/07/2016
Đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ là giải pháp tối ưu nhằm bảo vệ thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). 

Đây là một trong những nội dung quan trọng được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo “Chỉ dẫn địa lý và những cam kết trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU”. Hội thảo do Bộ Công Thương phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và Dự án hỗ trợ Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức ngày 29/6, tại Hà Nội.

Với việc công bố kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vào cuối năm 2015 và công bố toàn bộ văn bản Hiệp định vào tháng 2/2016, Việt Nam và EU dự kiến sẽ chính thức ký Hiệp định trong thời gian tới.

Đây là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được Việt Nam ký với EU – đối tác thương mại lớn thứ hai của mình, với nhiều cam kết ở mức cao cả trong các lĩnh vực truyền thống như thương mại, đầu tư và những lĩnh vực mới như môi trường, lao động và đặc biệt là sở hữu trí tuệ.

Dự kiến, khi EVFTA được ký kết, EU sẽ chính thức công nhận 39 sản phẩm đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có duy nhất một sản phẩm nước mắm Phú Quốc được cấp chỉ dẫn địa lý tại châu Âu, chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong số 7.000 chỉ dẫn địa lý đã được cấp tại thị trường này.

Trong khi đó, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đồng nghĩa với việc sản phẩm đó được công nhận về mặt chất lượng cũng như thương hiệu, do đó thường mang tính cạnh tranh cao hơn các sản phẩm thông thường khác.

Phát biểu Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ Trần Việt Thanh cho biết, Việt Nam là quốc gia có nhiều sản phẩm mang đặc trưng từng vùng, địa phương. Hiện đã có 47 sản phẩm được chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được người tiêu dùng tin cậy và đón nhận. Tuy nhiên vấn đề nhận thức quản lý, hiệu quả đối với loại tài sản này vẫn còn nhiều hạn chế như thiếu hoạt động quảng bá sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, thiếu hệ thống cơ quan, tổ chức kiểm soát về chỉ dẫn địa lý, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

Hiện chỉ có nước mắm Phú Quốc là sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở thị trường châu Âu. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Còn theo ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, một trong những khó khăn trong việc đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam hiện nay là tập hợp được những nhà sản xuất lại với nhau. Không ít nhà sản xuất hay nông dân do không hiểu hết giá trị của việc đăng ký chỉ dẫn địa lý mang lại nên không hợp tác tích cực, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến sự hình thành các sản phẩm đặc trưng riêng của vùng.

Bên cạnh đó, các chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam tuy có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng việc đăng ký và bảo hộ ở nước ngoài lại còn nhiều hạn chế, vướng mắc do thiếu đầu tư kinh phí. Ngoài ra, chiến lược xây dựng phát triển bền vững ở thị trường nước ngoài cũng gần như bị bỏ ngỏ. 

Ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm Tư vấn kỹ thuật Dự án EU-MUTRAP chia sẻ, theo kinh nghiệm của EU, để quản lý hiệu quả một sản phẩm đăng ký chỉ dẫn địa lý đã được đăng bạ và bảo hộ, cần có sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp - quản lý tự động, hiệp hội ngành hàng – kiểm soát trong và cơ quan quản lý địa phương – kiểm soát ngoài cũng như cần tổ chức một cơ quan chứng nhận chất lượng độc lập tại địa phương nhằm đảm bảo sự khách quan trong việc chứng nhận chất lượng của hệ thống quản lý này.

Bà Jana Herceg, Phó Ban Kinh tế - Thương mại, Phái đoàn EU tại Việt Nam  cho rằng, với nhiều sản phẩm nổi tiếng như: thanh long, cà phê, chè... Việt Nam có khả năng khai thác để hưởng lợi lớn từ việc đăng ký chỉ dẫn địa lý. Biện pháp được coi là hữu hiệu để phát triển và nâng cao chất lượng chỉ dẫn địa lý Việt Nam là xác lập một hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia khi xem xét và công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Chỉ có như vậy, các chỉ dẫn địa lý nội địa của Việt Nam mới có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật để tiến vào thị trường EU.

“Người sở hữu chỉ dẫn địa lý có cơ hội cũng như thách thức lớn, cần tập trung chất lượng, nâng cao nhãn hiệu, thương hiệu, marketing sản phẩm”, bà Jana Herceg nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia của dự án EU- MUTRAP cũng đã phổ biến cụ thể các cam kết về bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và EU trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, đặc biệt là những vấn đề cơ bản mang tính pháp lý, các quan điểm về bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, EU đã đồng ý bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực. Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chủ yếu là hàng rau quả (chiếm 49%), còn lại sản phẩm cây công nghiệp - chế biến chiếm 15%, thủy sản và chế biến từ thủy sản 13%, sản phẩm khác là 13%

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, với một thị trường rộng lớn như EU, Việt Nam có thêm các sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý tại thị trường này sẽ là bước tiến mới cho nông sản Việt.