Giá tiêu hôm nay 20/8: Đi ngang, thấp nhất 76.000đ/kg. (Nguồn: Borneo Talk) |
Cập nhật giá tiêu thế giới
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, tính đến 0h15 ngày 20/8, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 41.333,35 Rupee/tạ (cao nhất), 41.300 Rupee/tạ (thấp nhất), giữ đà đi ngang so với phiên hôm trước.
Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 19-25/8/2021 là 311,47 VND/IRN.
Giá tiêu trong nước
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tăng nhẹ, giao dịch ở mức từ 76.000 - 79.500 đ/kg tại các địa phương.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai, Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 76.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (77.500 đ/kg); Bình Phước (78.500 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 79.500 đ/kg.
Theo Báo Gia Lai, hiện tỉnh này có khoảng 13.673 ha trồng tiêu, trong đó có khoảng 12.582 ha đang trong thời kỳ kinh doanh.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, do ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết, dịch bệnh và suất đầu tư chăm sóc cho vườn cây giảm mạnh nên sản lượng niên vụ 2020 - 2021 thấp hơn so với trước.
Ông Trần Ngọc Chương - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ngọc Chương Gia Lai (TP Pleiku) cho biết: ''Mặt hàng hồ tiêu chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc, hàng thông quan mạnh là yếu tố tác động giá hồ tiêu phục hồi từ cuối tháng 5/2021.
Hiện nay, giá hồ tiêu tăng nhưng chúng tôi không có hàng trong vùng nguyên liệu để thu mua. Khoảng 80% sản lượng hồ tiêu năm nay đã được nông dân bán từ đầu vụ, hiện nay chủ yếu thu mua kiểu nhỏ lẻ''.
Cùng chung nhận định, bà Hà Thị Gái - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Gái Thành (thị trấn Đak Đoa) thông tin: “Các năm trước, Công ty thu mua hơn 1 tấn/ngày thì năm nay chỉ còn vài tạ/ngày. Tuy giá có chiều hướng tăng lên gần đây nhưng thời điểm này hầu hết người dân không còn hồ tiêu để bán”.
Như vậy có thể thấy, dù giá tiêu có tăng lên đến 80.000 đồng/kg thì nông dân cũng không có nhiều người được hưởng lợi. Bởi đơn giản là không có tiêu mà bán.
Trước đó, các chuyên gia cũng nhận định, với tình hình hiện nay thì thị trường trong nước sẽ dần phải giải phóng 40.000 tấn tiêu dự trữ, và hiện không còn đâu nguồn tiêu giá rẻ nữa.
Về thị trường xuất khẩu, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lũy kế khối lượng xuất khẩu hạt tiêu 7 tháng đầu năm 2021 đạt tổng cộng 180.210 tấn tiêu các loại, giảm 4.307 tấn, tức giảm 2,33 % so với khối lượng xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2020.
Về giá trị kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2021 đạt tổng cộng 591,47 triệu USD, tăng 191,19 triệu USD, tức tăng 47,76 % so với cùng kỳ.