Giá tiêu hôm nay 4/10, tăng nhẹ, cao nhất 82.000đ/kg. (Nguồn: EMediHealth) |
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tăng nhẹ tại một số địa phương, giao dịch ở mức từ 78.000 - 82.000 đ/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 78.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (79.000 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (80.000 đ/kg); Bình Phước (81.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 82.000 đ/kg.
Như vậy, sau nhiều ngày đứng yên, giá tiêu trong nước đã tăng thêm được 500 đồng/kg. Thị trường trong nước nhìn chung vẫn trầm lắng, tuy sau ngày 1/10 có tâm lý phấn khởi vì các tỉnh thành nới lỏng giãn cách, mở cửa phát triển kinh tế, nhưng nhìn chung vẫn chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp. Các đơn vị còn khá dè dặt.
Bên cạnh đó, các đại lý, công ty xuất khẩu đang dồn tiền sang vụ cà phê mới - được hứa hẹn sinh lời tốt hơn khi mức giá liên tục neo ở mức cao thời gian qua.
Với các tháng cuối năm, theo nhận định đà tăng vẫn là chủ đạo, các mức giá được thiết lập chắc chắn. Hiện nay giá cước tàu biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Vừa qua Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa quyết định thành lập 2 tổ công tác kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh.
Sau khi xảy ra đại dịch Covid-19, giá cước container bằng đường biển đã tăng liên tục từ năm 2020. Theo tổng hợp của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), đầu năm 2020, giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi Anh là 1.600 USD/container, đến tháng 12/2020 tăng lên 5.000 USD/container, đến tháng 5/2021 là 9.100 USD/container.
Giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 là 1.800 USD/container, đến tháng 12/2020 tăng lên 4.000 USD/container, đến tháng 5/2021 tăng lên 8.000 USD/container...
Hãng tàu biển Maersk nhận định, tình trạng thiếu container rỗng và giá cước cao còn có thể kéo dài đến tận cuối năm 2021, thậm chí đến đầu năm 2022 do hàng hóa ùn ứ từ gần 2 năm nay.
Mặt khác, giá khí đốt thiên nhiên và dầu thô tăng mạnh kích giá thành sản xuất một số mặt hàng đầu vào sản xuất tăng. Những yếu tố trên sẽ tiếp tục đẩy giá các mặt hàng nông sản, trong đó có cà phê, hồ tiêu tăng trong thời gian tới.
Với hồ tiêu, ghi nhận gia tăng nhiều đơn hàng đặt cho nhu cầu dịp cuối năm đến từ Mỹ, Trung Đông và châu Âu - đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam.
Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk có kế hoạch xuất khẩu khoảng 1.100 - 1.200 tấn trong những tháng còn lại của năm.
Trong khi Prosi Thăng Long (Hà Nội) đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 1.000 tấn hồ tiêu trong khoảng thời gian còn lại của năm 2021.
Những đơn vị khác cũng đặt mục tiêu gia tăng giá trị xuất khẩu sau quý III/2021 trì trệ vì Covid-19.