📞

Giá trị của đạo Mẫu Việt Nam

GS.TS. Ngô Đức Thịnh 09:04 | 11/04/2014
LTS: Nhân dịp 'Tháng ba giỗ Mẹ' - Lễ hội phủ Giầy đang diễn ra tại Nam Định từ ngày 2-7/4 (3-8/3 âm lịch), để có thêm thông tin sâu về tục lệ thờ Nữ thần - Thờ Mẫu - Thờ Mẹ, Báo trích đăng bài viết của GS.TS. Ngô Đức Thịnh xung quanh tục lệ này.
Phủ Tiên Hương trong ngày khai hội Phủ Dầy 2014. (Nguồn: Báo Nhân dân)

Việc nhận thức đúng những giá trị của đạo Mẫu Việt Nam có ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn, từ đó xác định thái độ của các tín hữu đạo Mẫu, của những người quản lý xã hội và người dân đối với di sản văn hóa tinh thần này. Có thể nêu một số giá trị tiêu biểu như: "Mẹ tự nhiên", một thế giới quan cổ xưa của người Việt; Hướng con người đến thái độ sống hòa hợp, hòa nhập, khiến cho đạo Mẫu trở thành biểu tượng đa văn hóa tộc người; "Lên đồng" là một nghi lễ quan trọng bậc nhất của đạo Mẫu, là một hình thức diễn xướng tâm linh, một "bảo tàng sống" của văn hóa dân tộc Việt; Xác lập một nhân sinh quan tín ngưỡng của người Việt hướng về đời sống trần thế, đó là cầu mong sức khỏe, tiền tài, phúc lộc; Đạo Mẫu là một thứ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa.

Nhân sinh quan tín ngưỡng

Khác với nhiều tôn giáo tín ngưỡng, dù đó là Phật giáo, Kitô giáo, đạo Mẫu không hướng chính con người và niềm tin của con người về thế giới sau khi chết, mà là thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần phải có sức khỏe, có tiền tài và quan lộc. Đó là một nhân sinh quan mang tính tích cực, phù hợp với quan niệm "hiện sinh" của con người trong thế giới hiện đại. Đây cũng là cách tư duy thể hiện tính "thực tế", "thực dụng" của con người Việt Nam.

Chúng ta cũng khó đo đếm được có bao nhiêu con người Việt Nam tin vào sức mạnh và sự kỳ diệu của Thánh Mẫu. Chỉ biết rằng, không chỉ hàng ngày người ta đến cầu xin Thánh Mẫu, mà còn vào những dịp hội hè, lễ tiết theo chu kỳ "Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ" số lượt người trẩy hội đến các đền phủ tăng gấp bội để cầu mong Mẫu ban cho mình sức khỏe và tài lộc.

Trong nghiên cứu hiện nay, các nhà khoa học đã bắt đầu lý giải được việc những người có căn số, tức là những người có những đặc tính tâm sinh lý đặc biệt, dễ bị ảnh hưởng của xã hội, nên dễ dẫn đến tình trạng rối loạn về tâm lý và hành vi, thì thường sau khi ra trình đồng đều khỏi bệnh, trở về trạng thái tâm sinh lý bình thường. Thậm chí, ngay cả với những người dù không có "căn đồng" mà chỉ để giải tỏa, giải trí trước những sức ép của nhịp sống xã hội đô thị hiện đại (dân gian gọi là đồng đua, đồng đú), thì khi lên đồng cũng giúp họ giải tỏa được những stress. Đó là tác dụng trị liệu của đạo Mẫu và Lên đồng.

Những tín đồ của đạo Mẫu, nhất là những người làm nghề kinh doanh buôn bán có một niềm tin mãnh liệt vào Thánh Mẫu, người có thể phù hộ cho họ buôn bán phát đạt. Ở đây, chúng ta khó có thể lý giải được thực sự có hay không một lực lượng siêu nhiên nào đã hỗ trợ cho họ trong việc kinh doanh buôn bán, có lẽ lúc này, niềm tin của con người giữ vai trò quyết định, có thể tạo nên sức mạnh vật chất thực sự.

Tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa

Đạo Mẫu, thông qua các ký ức, các truyền thuyết và huyền thoại, qua các nghi lễ và lễ hội đã thể hiện rõ ý thức lịch sử và ý thức xã hội của mình. Trong điện thần của đạo Mẫu, hầu hết các vị thánh đã được lịch sử hóa, tức là đều hóa thân thành những con người có danh tiếng, có công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tất nhiên, trên thực tế có không ít những vị thánh thần vốn thoát thai từ các nhân vật có thật trong lịch sử, sau này được người đời tô vẽ, thần tượng lên thành các vị thần thánh, tức là các vị thần thánh có "nguyên mẫu" trong lịch sử (Trần Hưng Đạo - Đức Thánh Trần, Mẹ Âu Cơ - Mẫu Thượng Ngàn, Lê Khôi hay Nguyễn Xí - Ông Hoàng Mười, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan - Ông Hoàng Bơ, Bà Lê Chân - Thánh Mẫu Bát Nàn…). Ngoài ra còn có nhiều vị thần linh, vốn là các thiên thần hay nhiên thần, nhưng lại được người đời "nhân thần hóa" hay "lịch sử hóa", gán cho họ có sự nghiệp, có công trạng với đất nước hay từng địa phương.

Bằng cách đó, đạo Mẫu gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc, để trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, một thứ chủ nghĩa yêu nước để được tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa, mà trong đó người Mẹ - Mẫu là nhân vật trung tâm ..

Chính những giá trị nhận thức, giá trị lịch sử, truyền thống, xã hội, văn hoá kể trên đã làm cho đạo Mẫu trở thành một trong những tôn giáo tín ngưỡng bản địa hàng đầu của các dân tộc Việt Nam.